Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ: Vẫn bị xem nhẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 70.000 lao động đang làm việc tại hơn 3.400 doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều lao động làm việc ở môi trường có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ cao.

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Công ty Thủy điện Ia Ly là đơn vị hoạt động sản xuất điện có nguy cơ xảy ra cháy nổ và mất an toàn  cao. Những năm qua, Công ty luôn đặt lên hàng đầu công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN). Ông Nguyễn Văn Bình-Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Ia Ly, cho biết: Công ty đang quản lý 3 nhà máy: Ia Ly, Sê San 3 và Plei Krông. Hàng năm, Công ty thường xuyên phổ biến các văn bản về bảo hộ lao động cho các thành viên trong tổ, nhóm biết. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành quy trình, quy phạm, quy định và biện pháp an toàn khi thực hiện công việc cũng như đôn đốc các đơn vị liên quan xử lý các khiếm khuyết, kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác ATVSLĐ-PCCN. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, ngoài trang bị bảo hộ lao động, người lao động còn được trang bị thêm các vật dụng bảo hiểm khác như: dây an toàn, mũ siêu bền… Nhờ đó, nhiều năm qua, Công ty chưa để xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào.

Còn ông Trần Thanh Lâm-Phó Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai thì cho biết: Nghề sản xuất đá granite cũng thường xuyên đối diện với nguy cơ mất an toàn cao. Công ty có 120 công nhân trực tiếp khai thác và cưa đá làm thành phẩm. Dù hoạt động đều có máy móc nhưng để vận hành an toàn thì công nhân phải hiểu quy trình vận hành máy. Vì thế, hàng năm đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện an toàn cho người lao động, nhằm đảm bảo nghiêm ngặt quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, trong số hơn 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có khoảng 45% doanh nghiệp chấp hành tương đối tốt các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Nhiều đơn vị chỉ thực hiện mang tính đối phó, khi có đoàn kiểm tra thì mới thống kê, hoàn thiện hồ sơ và mua một vài loại dụng cụ bảo hộ lao động như: găng tay, mũ, quần áo. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2015, toàn tỉnh đã để xảy ra 13 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người và bị thương nặng 3 người. Trong đó, đáng kể nhất là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do điện giật xảy ra vào ngày 17-7-2015 làm một người chết tại khu vực đậu xe, rửa xe của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai do hệ thống điện khu vực rửa xe (hộp công tắc điện và mô tơ máy bơm nước) bị nước mưa thấm gây ra rò rỉ dòng điện. Cũng theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ cháy (trong đó có 3 vụ cháy rừng) tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2014, thiệt hại khoảng gần 8,3 tỷ đồng, làm bị thương 5 người. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động và cháy nổ được xác định là do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng hướng dẫn người lao động sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, chưa có phương án phòng-chống cháy nổ… để đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản.

Cứ đến tháng 3 hàng năm, cùng với cả nước, Gia Lai lại tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN nhằm thu hút sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đông đảo người lao động về công tác ATVSLĐ-PCCN để hạn chế thấp nhất có thể các vụ tai nạn lao động và cháy nổ. Năm 2016, Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tiếp tục được triển khai từ ngày 21 đến 27-3, với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động”. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Lê Văn Thành- Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Hàng năm, Sở có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác này. Đồng thời, hướng dẫn chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường các hoạt động kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN. Người sử dụng lao động cần có trách nhiệm hơn đối với người lao động, giám sát và nhắc nhở thực hiện đúng quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động. Như vậy mới đảm bảo được môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm