Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn: Chúng tôi nhận được sự phối hợp và hỗ trợ tuyệt vời từ tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 28-3, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 sẽ chính thức khởi tranh. Trước giờ thi đấu, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, đồng Trưởng ban tổ chức giải.
* P.V: Ông có thể cho biết Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai đã xác lập những kỷ lục nào?
a
Ông Lê Xuân Sơn trao đổi với báo chí xung quanh giải đấu năm 2021. Ảnh: Đức Thụy
- Ông LÊ XUÂN SƠN: Tính cả giải tiền thân được tổ chức lần đầu vào năm 1958 thì Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong năm nay là lần thứ 62. Bản thân con số đó cũng đã là một kỷ lục, bởi vì ở nước ta không có giải thể thao nào có lịch sử dài và số lần tổ chức nhiều như thế.
Ngoài ra, giải còn lập một loạt kỷ lục khác. Thứ nhất, với sứ mệnh mang tinh thần thể thao, tinh thần điền kinh, phong trào chạy đến các địa phương trong nước nên mỗi năm giải của Tiền Phong lại đến 1 tỉnh. Vậy nên, nó lập kỷ lục về số tỉnh từng đăng cai tổ chức.
Thứ hai, giải tại Gia Lai lần này lập kỷ lục nội bộ với số lượng 4.500 vận động viên (VĐV) tham gia. Trước đây, số lượng VĐV góp mặt tại Giải Marathon Tiền Phong đông nhất cũng chỉ có gần 2.000 (tổ chức tại Lý Sơn).
Thứ ba, đây là một giải vô địch quốc gia nhưng lại có đến hơn 4.300 VĐV không chuyên từ khắp đất nước đến thi đấu ở tất cả các cự ly và hơn 1.000 quần chúng chạy đồng hành. Ở nước ta không có giải nào tương tự.
Thứ tư, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong không chỉ là một giải thể thao quốc gia mà còn vươn tầm vượt lên đạt đến một sự kiện có tầm kinh tế-xã hội, văn hóa-du lịch có ảnh hưởng lớn. Nó quảng bá mạnh mẽ cho tỉnh đăng cai tổ chức. Về phương diện này, khó có giải điền kinh nào ở nước ta đạt được hiệu quả như vậy. 
Thứ năm, Ban tổ chức và các đơn vị đồng hành còn thực hiện những việc có ý nghĩa xã hội lớn. Tại giải năm nay, Ban tổ chức phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết; phối hợp với Agribank và tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động trồng cây “Vì một Việt Nam xanh”; đồng thời tỉnh chủ nhà tổ chức Đêm hội cồng chiêng và Hội chợ giới thiệu hàng hóa, sản vật địa phương.
Đặc biệt, tại lễ khai mạc giải, Agribank sẽ tặng tỉnh Gia Lai 5 tỷ đồng để mua xe cấp cứu cho một số huyện. Ngoài ra, Agribank còn tặng thêm tỉnh 1 tỷ đồng, Ban tổ chức giải và vận động viên tặng 200 triệu đồng, Điện lực Việt Nam tặng 100 triệu đồng để mua cây giống góp phần thực hiện mục tiêu trồng 400.000 cây xanh.
Tại giải lần thứ 62 này, Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam cũng sẽ tặng 600 triệu đồng để chăm sóc các tài năng điền kinh trẻ và thưởng cho các VĐV có thành tích cao tại các giải đấu trong năm.
2
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn (bìa trái) trao tặng 200 triệu đồng của Ban tổ chức giải và VĐV cho tỉnh Gia Lai để trồng cây xanh. Ảnh: Hồng Thi
* PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp chuẩn bị, hỗ trợ giải lần này của tỉnh Gia Lai?
- Ông LÊ XUÂN SƠN: Chúng tôi nhận được sự phối hợp và hỗ trợ tuyệt vời từ lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các cơ quan chức năng của tỉnh. Tỉnh rất quyết tâm, cụ thể và chi tiết. Nhờ thế, việc chuẩn bị tuy có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn kịp đúng lịch và tiến độ dự kiến. 
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã làm việc với Ban tổ chức và có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho giải đấu và giải quyết kịp thời các đề nghị của Ban tổ chức. Các đồng chí ở Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh vào cuộc tích cực, sát cánh cùng Báo Tiền Phong chuẩn bị các khâu của công tác tổ chức. Các sở, ban, ngành và cơ quan chức năng khác của tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ giải.
3
Các VĐV làm thủ tục nhận áo đấu, số đeo. Ảnh: Hồng Thi
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng đã giúp Ban tổ chức hoàn toàn trong việc chỉnh trang TP. Pleiku; nâng cấp, sửa chữa, chuẩn bị đường chạy; các khâu y tế,  vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, điện năng; huy động lực lượng tình nguyện viên (300 người), quần chúng chạy đồng hành (hơn 1.000 người)...; đồng thời, tổ chức các sự kiện lớn để giải thêm quy mô, thu hút và ý nghĩa. Đặc biệt, chủ nhà Gia Lai còn hỗ trợ thêm kinh phí để Ban tổ chức có thể tăng gấp đôi giá trị giải thưởng cho các VĐV.
4
Ông Lê Xuân Sơn (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm cùng một số VĐV Gia Lai. Ảnh nhân vật cung cấp
* PV: Ông đặt kỳ vọng như thế nào vào Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong năm nay?
- Ông LÊ XUÂN SƠN: Tôi kỳ vọng giải năm nay sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh và nhiệm vụ mà các cấp có thẩm quyền giao cũng như giải tự đặt ra cho mình. Đó là: một giải điền kinh vô địch quốc gia đạt số lượng VĐV lớn và chất lượng chuyên môn cao; góp phần giúp các VĐV chuẩn bị tốt cho SEA Games 31 sẽ diễn ra cuối năm nay tại nước ta.
Thêm vào đó, tôi mong rằng, giải tiếp tục có độ quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của điền kinh Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai. 
* PV: Xin cảm ơn ông!
HỒNG THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm