Phóng sự - Ký sự

Chao đảo thời dịch giã: Gồng mình trước 'bão' Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
TP.HCM đang trong thời gian giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tìm đến các khu lao động, xóm trọ công nhân mới thấy hậu quả mà dịch đã và đang để lại thật sự nặng nề.
Công nhân ở trọ phải ăn mì gói qua ngày. Ảnh: P.X
Công nhân ở trọ phải ăn mì gói qua ngày. Ảnh: P.X
Ăn cháo... ế thay cơm
Hẻm 270B Lý Thường Kiệt (P.6, Q.Tân Bình) được gọi là hẻm cháo lòng. Bởi kế sinh nhai của hàng chục người quê ở Nam Định, Thanh Hóa... đang trọ ở hẻm này là từ những xe chở cháo lòng đi bán dạo. Người có thâm niên ít cũng chẵn 10 năm. Có người ngót nghét cả 20 năm gắn chặt cùng xe cháo lòng. Họ mưu sinh khắp các nẻo đường ở nhiều quận, huyện trong thành phố.
Dịch Covid-19 ập đến, rồi giãn cách xã hội đã làm oằn đi cần câu cơm của họ. Anh Trịnh Hoàng Dũng (43 tuổi, quê H.Vụ Bản, Nam Định) than thở trong nét mặt khắc khổ: “Ế lắm. Dịch bệnh, người ta ngại ra đường. Nên mỗi khi đứng bán thế này mà có khách trờ xe tới là mừng hết lớn”. Ngày trước, khi dịch chưa lan rộng, anh chọn một góc ngã ba ở đường Thành Thái (Q.10), bày biện vài cái bàn, vài ghế xúp để khách ghé lại ăn. Bắt đầu bán từ 14 giờ, tới khoảng 18 giờ, nồi cháo lòng của anh Dũng mới hết. “Nhưng giờ, may mắn lắm mới bán được chục tô. Có khi chạy xe rong ruổi mỏi cả chân cũng chẳng có khách”, anh rầu rĩ.
Tình cảnh của người đàn ông này cũng giống nhiều đồng nghiệp khác. Một ngày, họ bỏ vốn khoảng 300.000 đồng mua lòng, thịt, rau, gia vị... để nấu cháo bán. Họ dồn tất cả niềm hy vọng: có tiền ăn, tiền đóng nhà trọ, tiền gửi về quê nuôi con... vào nồi cháo. Nhưng cái kết phải nhận về đắng ngắt khi ế khách. “Nhiều ngày cả nhà tôi ăn cháo... ế thay cơm”, chị Hoàng Thị Thơm (37 tuổi, quê H.Hà Trung, Thanh Hóa) thở dài thườn thượt, rồi chua xót: “Tất cả cũng chỉ vì dịch bệnh”.
Làn sóng dịch Covid-19 tràn về, mà “cơn sóng” sau nhô cao hơn “cơn sóng” trước, đã đẩy người lao động vào cơn bĩ cực. Cuộc sống yên ả không còn, thay vào đó là những bấp bênh, chao đảo. Chị Thơm kể đã khất chủ nhà một tháng tiền trọ. Tiền gạo, mắm, bột giặt... cũng nợ chủ tiệm tạp hóa. “Mà trong hẻm này, ai cũng như ai, cũng thiếu thốn trăm bề”, chị Thơm tâm sự.
Hỏi những cư dân trong hẻm cháo lòng, điều mong mỏi nhất lúc này là gì, họ bảo: “Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết lúc nào mới được khống chế, không biết lúc nào cuộc sống mới trở lại bình thường, chỉ cầu mong được khỏe mạnh. Bởi, lỡ bị đau ốm thời điểm này sẽ không biết phải làm sao”. Những thủ thỉ nghẹn ngào khiến người nghe không khỏi xúc động.

Phận người mưu sinh bằng nghề bán cháo lòng rơi vào cảnh ế ẩm. ẢNH: P.X
Phận người mưu sinh bằng nghề bán cháo lòng rơi vào cảnh ế ẩm. ẢNH: P.X
Món quen mì gói, bữa đói bữa no
Những ngày này, cái nắng ở thành phố có khi như thiêu như đốt. Vậy mà anh Vũ Thành Phương (26 tuổi, quê ở H.Ngọc Hiển, Cà Mau, làm công nhân dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) vẫn nhất quyết không bật quạt nơi phòng trọ nhỏ hẹp. “Để tiết kiệm điện, đỡ khoản nào hay khoản đó. Mấy tháng nay dịch hoài, mấy đối tác của công ty ngừng tiêu thụ sản phẩm, công việc của công nhân ít đi, nên thu nhập chỉ còn một nửa. Lúc trước mỗi tháng tôi nhận hơn 6 triệu. Phải dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu trang trải cho cuộc sống. Giờ mỗi tháng tôi chỉ còn được 3 triệu, nên buộc phải tằn tiện”, anh Phương giải thích.
Anh Phương chỉ vào chảo trứng chiên rồi kể với ánh mắt buồn rười rượi: “Cả tuần nay chỉ ăn trứng chiên thôi. Chứ nói thiệt, không còn tiền để đi chợ mua ít cá, ít thịt. Chưa biết một, hai ngày nữa sẽ sống ra sao. Hên là tôi mua được bịch gạo, có thể nấu cơm ăn với mắm”.
Không chỉ anh Phương, nhiều công nhân ở những khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM cũng đang có cuộc sống ảm đạm giữa thời dịch giã.
Khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công nhân thường xuyên tăng ca kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, công việc ít đi, kéo theo thu nhập bị giảm. Cuộc sống công nhân vốn dĩ chật vật càng trở nên cơ cực. Để rồi, như lời chị Trần Thị Thế (29 tuổi, quê ở H.Ba Tri, Bến Tre, đang là thợ cắt vải cho một công ty ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú): “Có ngày tôi chỉ ăn được một bữa cơm trưa ở công ty. Nhiều khi bữa no, bữa đói. Có những ngày công ty không cho cơm trưa, phải nhịn, tối về ăn tạm bợ qua bữa bằng mì tôm”.
Thế nhưng, chị Thế bảo: “Được như tôi là còn đỡ. Còn công việc, còn cái ăn đã là may mắn. Nhiều người cùng dãy trọ mất việc vì công ty ngừng hoạt động. Suốt ngày nằm chèo queo trong phòng, ăn uống cầm cự qua ngày. Không có thu nhập trong khi phải lo tiền nhà, chi phí sinh hoạt... Nhìn tội lắm. Mà nói vậy chứ tôi cũng chẳng biết khi nào mình sẽ thất nghiệp. Vì công ty tôi làm cũng... thoi thóp cả nửa tháng nay. Vừa hoạt động vừa thấp thỏm xem tình hình dịch bệnh”.
Éo le hơn, nhiều công nhân mất việc nhưng ngay thời điểm này không thể tìm việc mới, vì chẳng công ty nào tuyển dụng trong lúc dịch vẫn đang phức tạp. Nhiều công nhân không thể gắng gượng nổi với áp lực cơm áo gạo tiền, không thể tiếp tục bám trụ ở thành phố, muốn về quê nhưng lực bất tòng tâm. “Tiền thì không có. Về quê thì phải cách ly 21 ngày. Tôi không biết phải làm sao luôn”, anh Trần Văn Tòa (36 tuổi, quê ở H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nói mà như khóc.
Những tiếng lòng
Cách đây một tháng, anh N.Đ.D (47 tuổi, ở H.Kông Chro, Gia Lai) vẫn còn “được là nhân viên” (như lời anh nói) tại một cơ sở nấu ăn công nghiệp trên đường Dương Đình Cúc (H.Bình Chánh). Dịch Covid-19 tràn đến đã làm xáo trộn mọi thứ. Những công ty, xí nghiệp - nơi cơ sở anh D. làm việc chuyên cung cấp thức ăn, hoặc tạm ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng... nên hủy đơn đặt suất ăn. Chủ cơ sở điêu đứng, còn anh D. và những người làm khác mất việc.
Ngày còn làm việc, anh D. được bao cơm. Mất việc, chuyện ăn uống trở thành nỗi lo. Và khi những đồng tiền cuối cùng trong số tiền mượn tạm bạn bè, gia đình không còn, anh D. chỉ còn biết mong chờ được cứu đói. “Có ngày đói quá, đói lả người, tôi ra chủ nhà trọ xin cho ăn cơm cùng”, anh D. kể, rồi nói tiếp: “Được vài lần, tôi thấy ngại. Lại không có tiền đóng trọ, nên tôi trả phòng”. Giờ đây, mỗi đêm anh đành ngủ tạm bợ ở các sạp chợ. Có đêm anh ngủ ở chợ Đệm. Có đêm anh lang thang về chợ Bờ Ngựa...
Dẫu túng quẫn là vậy, nhưng anh D. vẫn lạc quan: “Giờ thì túng thế này, nhưng biết đâu vài ngày nữa dịch bệnh hết thì tôi có công việc ổn định trở lại. Tôi xin lại chỗ cũ làm, hoặc làm “thợ đụng”, chỗ nào tuyển thì tôi xin làm. Rồi tôi đủ ăn, có tiền thuê nhà, cuộc sống của tôi đâu lại vào đấy”.
Cũng rơi vào cảnh bấp bênh thời dịch là vợ chồng anh Lê Đức Mạnh và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (cùng 26 tuổi, quê ở H.Cầu Kè, Trà Vinh). Anh Mạnh chỉ vào phòng trọ tuềnh toàng trong dãy trọ đìu hiu nằm trên đường Sinco (Q.Bình Tân) rồi nói vui: “Mong dịch bệnh mau hết, chứ phòng trọ... còn gì đâu”.
(còn tiếp)
Theo Phan Xuân (TNO)

Có thể bạn quan tâm