Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay (10-7), kỳ họp bước sang ngày làm việc thứ ba với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ ở một số lĩnh vực trong tỉnh đang được cử tri quan tâm.
Bức xúc về vấn đề môi trường
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh-Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã An Khê, nêu câu hỏi: “Từ khi hoạt động đến nay, Nhà máy Đường An Khê liên tục có những sai phạm về môi trường. Vậy trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường như thế nào trong việc để xảy ra các sai phạm trên? Trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để chấm dứt các hoạt động gây ô nhiễm môi trường của nhà máy này?"
Đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh-Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại An Khê chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đức Thụy
Trả lời chất vấn của đại biểu Hạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du, thông tin: Nhà máy Đường An Khê trong quá trình hoạt động có nhiều lần nâng công suất nhà máy và hiện nay đã nâng lên 18 ngàn tấn/ngày. Song song với đó, Nhà máy Đường An Khê cũng đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch đi kiểm tra về xử lý môi trường các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nhà máy thải ra môi trường sông Ba, đặc biệt là Nhà máy Đường An Khê. Từ năm 2016-2018, Sở cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương thị xã An Khê và các ngành liên quan tổ chức các buổi kiểm tra đột xuất và định kỳ, quá trình kiểm tra không phát hiện sai phạm nào. “Tuy nhiên, trong đầu năm 2019, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy xảy ra sự cố vỡ đường ống, gây ô nhiễm môi trường khu vực sông Ba. Qua kiểm tra, xét mức độ vi phạm, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định vi phạm hành chính với số tiền 468 triệu đồng, hiện Nhà máy đã tiến hành nộp phạt và khắc phục”- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết. 
Cũng theo đại biểu Phạm Duy Du, sau đợt kiểm tra xử lý, Sở cũng đã yêu cầu Nhà máy đường An Khê phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Hiện Nhà máy Đường An Khê đang triển khai thực hiện vấn đề này và sẽ hoàn chỉnh hệ thống vào tháng 12-2019; đồng thời, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục giám sát, đánh giá tác động môi trường của nhà máy này. 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Thụy
Hội trường “nóng” dần lên khi đại biểu Dương Văn Trang- Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết vì sao lúc đầu yêu cầu xử phạt 1,5 tỷ đồng nhưng sau lại xử phạt có 468 triệu đồng đối với vi phạm của Nhà máy đường An Khê vào đầu năm 2019? Vậy ai yêu cầu xử phạt 1,5 tỷ đồng và cơ sở ra xử phạt 468 triệu đồng? Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du, giải trình: “Trước đây, khi phát hiện nhà máy vi phạm thì các ngành cùng nghiên cứu đề xuất. Theo đó, UBND thị xã An Khê yêu cầu với vi phạm như thế thì phải xử phạt 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở kiểm tra việc vi phạm của nhà máy và căn cứ vào các quy định, điều luật về những sai phạm gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Đường An Khê thì chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định vi phạm hành chính với số tiền 468 triệu đồng”. 
Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê cho rằng: kết quả căn cứ của thị xã An Khê đề xuất UBND tỉnh xử phạt là trên cơ sở các mẫu đã được gửi đi kiểm nghiệm và đối chiếu với các điều khoản quy định xử phạt hành chính về vi phạm môi trường. Còn tại sao có độ chênh lệch như vậy là do sự không thống nhất giữa các ngành về lượng nước xả thải lớn hơn so với đánh giá. Chúng tôi vẫn bảo vệ văn bản của mình. Còn các điều khoản cụ thể mà UBDN thị xã đề xuất xử phạt số tiền 1,5 tỷ đồng thì Tổ đại biểu An Khê sẽ gửi lại Thường trực HĐND tỉnh sau. 
Với trách nhiệm là Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, đại biểu Lịch khẳng định, Thị xã luôn hoan nghênh các nhà đầu tư tới với địa bàn. Do vậy, chúng tôi mong muốn các Sở ngành phối hợp với địa phương trong việc triển khai các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần chúng ta hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải tuân thủ về pháp luật, nhất là về vấn đề môi trường và các vấn đề khác liên quan. 
Gỡ vướng cho dự án chậm tiến độ
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm tại kỳ họp lần này là việc một số dự án trên địa bàn tỉnh hiện nay triển khai chậm. Theo báo cáo, trong số 41 dự án khởi công mới, đến nay có 38 dự án đang triển khai thi công, 3 dự án chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Ngoài ra, có 6 dự án chuyển tiếp chậm tiến độ, gồm: Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú; Đường nội thị thành phố Pleiku; Kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa; Hệ thống kênh dẫn thuộc dự án thủy lợi Plei Keo; Đường liên huyện Chư Pah- la Grai- Đức Cơ- Chư Prông; Di dân tự do huyện Chư Prông.
Đại biều Nguyễn Trung Kiên-Phó Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh tham gia phiên chất vấn. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Nguyễn Trung Kiên- Phó Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND đặt câu hỏi chất vấn: “Một số dự án trên địa bàn tỉnh hiện triển khai quá chậm, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong vùng dự án. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư như thế nào trong việc này? Giải pháp sắp tới của ngành trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án?”. 
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hồ Phước Thành, lý giải: Trong thời gian qua, tỉnh ta được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều dự án đang triển khai chậm tiến độ, vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do khâu giải phóng mặt bằng gặp khó, vướng rất nhiều. Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra sự chậm trễ này. Đúng là trước đây, sở có chậm trễ trong công tác tham mưu để UBND tỉnh tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhưng từ năm 2018 đến nay, sở đã kịp thời tham mưu, báo cáo theo từng quý, từng tháng, từng tuần về tình hình vướng mắc của các dự án cho UBND; và trong việc báo cáo này có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương để cùng phối hợp tháo gỡ. Việc này đã giúp các dự án phần nào được đẩy nhanh tiến độ. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động tham mưu và phối hợp cùng các đơn vị liên quan để nhanh chóng gỡ vướng cho các dự án”- Đại biểu Thành, khẳng định.   
Chỉ đạo về việc đẩy nhanh các dự án triển khai chậm, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang, nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác này chưa thực sự được phát huy. Chúng ta cần rút kinh nghiệm, tập trung tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, với mục đích chung là tạo điều kiện cho kinh tế tỉnh nhà phát triển”. 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Thụy
Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Dương Văn Trang- Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn nêu câu hỏi cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trương Phước Anh: “Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý bảo vệ rừng chưa được như mong muốn. Xâm hại rừng vẫn tiếp tục tái diễn. Theo ông, nguyên nhân từ đâu và có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lý giải: Phải nhìn nhận rằng, từ khi có Công văn 191/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu gia đoạn 2016-2020”, thì tình quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình như số vụ vi phạm lâm luật của tỉnh ta trong suốt 3 năm qua luôn giảm. Tuy nhiên, kết quả thu được chưa đạt như yêu cầu, chưa triệt để, xuất hiện tình trạng lâm tặc thuê một số bộ phận người dân vào xâm hại rừng...
“Tôi đề xuất các địa phương chỉ đạo các chi bộ thôn, làng nơi có rừng, còn rừng, nơi dễ lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp, thậm chí sử dụng với mục đích khác thì nên ra nghị quyết đánh giá và lãnh đạo hàng tháng, hàng quý. Phân công, tổ chức lực lượng của thôn, làng để bảo vệ, giữ rừng. Hiện nay nhu cầu gỗ tự nhiên vẫn còn rất lớn, cho nên vấn đề giữ rừng, bảo vệ rừng là rất cấp thiết. Nếu cứ giao khoán cho nhân viên quản lý, bảo vệ rừng và giao cho kiểm lâm địa bàn thì không hiệu quả”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trương Phước Anh, đề nghị.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, các đại điểu cũng đã nghe phần giải trình của lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở Giao thông Vận tải xung quanh một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm như: tình hình tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Tp. Pleiku và huyện Chư Sê; công tác cải cách hành chính của tỉnh...
Chiều nay, kỳ họp tiến hành  phiên làm việc với  nội dung giải trình  của UBND tỉnh về một số vấn đề cần làm rõ trong các tờ trình; thảo luận thông qua các Nghị quyết và bế mạc Kỳ họp. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Dung Tấn

Có thể bạn quan tâm