Chênh vênh cầu tạm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thống kê của Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 44 cầu treo và 129 cầu dân sinh. Kết quả của đợt rà soát và khảo sát chất lượng các cây cầu do Sở thực hiện cho thấy, có đến 54 cầu treo, cầu dân sinh được đưa vào danh sách cần đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí dự kiến trên 36,7 tỷ đồng; trong đó có 11 cầu treo, cầu dân sinh nằm trong tình trạng không đảm bảo an toàn lưu thông và buộc phải tháo dỡ.

Những cây cầu tạm bắc qua sông Ba đã giúp ích rất nhiều cho người dân hai bờ trong việc đi lại. Thế nhưng, khi mùa mưa lũ về, con nước dâng lên cao khó lường thì việc đi lại qua những cây cầu tạm luôn chực chờ hiểm nguy…

Có cầu bê tông vẫn vượt sông bằng… cầu tạm

 

Cầu tạm vượt sông Ba nối xã Phú Cần với Ia Rmok và các xã phía Nam sông Ba của huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa
Cầu tạm vượt sông Ba nối xã Phú Cần với Ia Rmok và các xã phía Nam sông Ba của huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa

Sông Ba chảy qua địa bàn huyện Krông Pa có chiều dài trên 40 km. Chảy qua rất nhiều làng, nương rẫy của nhân dân nên những cây cầu tạm nối liền hai bờ, rút ngắn khoảng cách, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được dựng lên khá nhiều. Theo thống kê, Krông Pa hiện còn 5 cây cầu tạm được người dân tự làm bằng gỗ ván bắc qua sông Ba, các cây cầu này dài hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Có mặt tại cây cầu dân sinh bắc qua sông Ba nối giữa xã Phú Cần với Ia Rmok và các xã thuộc phía Nam sông Ba, chúng tôi có dịp quan sát kỹ lưỡng “công nghệ” làm cầu tạm của người dân vùng này. Đúng như tên gọi cầu tạm, cây cầu được làm đơn giản, qua sức lao động và đôi bàn tay của những “kỹ sư Hai Lúa”. Cây cầu dài cả trăm mét nhưng trụ cầu và những thanh gỗ dọc thân cầu được tạo thành bởi những cây bạch đàn kích thước nhỉnh hơn bắp chân người lớn; bề mặt cầu là lớp tấm ván xẻ. Tất cả được liên kết với nhau một cách thô sơ bằng dây thừng, dây kẽm và đóng đinh cố định.

Đơn giản là thế nhưng mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người tham gia lưu thông trên cây cầu tạm này. Người dân qua đây chủ yếu là cán bộ, giáo viên đi làm, học sinh đi học và nông dân qua lại để đến nơi sản xuất. Trên cầu tuyệt nhiên không có bóng dáng của chiếc áo phao hay bất kỳ vật dụng nào có thể sử dụng thay thế cho chiếc phao như săm xe ô tô… để phòng trừ chẳng may gặp phải tình huống xấu khi qua cầu. Nguy hiểm song vì sự tiện lợi, nhiều người vẫn chọn lưu thông qua cầu tạm thay vì đi bằng cầu Phú Cần cách đó chừng chục cây số. Đáng nói hơn, dù phải bỏ 5-7 ngàn đồng, thậm chí là 10 ngàn đồng cho mỗi lần vượt cầu tạm người dân vẫn… thích đi cầu tạm, trong khi cầu bê tông rộng rãi, an toàn, chắc chắn và hoàn toàn miễn phí thì lại… thờ ơ.

Tương tự, các cây cầu tạm thuộc thôn Tập đoàn 3, Tập đoàn 4-5 (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) cũng thường xuyên tấp nập người qua lại. Theo lý giải của người dân, nếu đi từ xã Uar và Chư Drăng qua các cây cầu này thì quãng đường đến thị trấn Phú Túc sẽ nhanh hơn khá nhiều và ngược lại; các hộ dân xã Chư Gu có diện tích đất rẫy ở khu vực bên kia sông, thuộc địa phận xã Uar và Chư Drăng qua cầu tạm đến điểm sản xuất cũng sẽ gần hơn. Hiện tại, xã Chư Gu không khuyến khích người dân tham gia lưu thông bằng những cây cầu tạm này và đã yêu cầu các chủ cầu ký cam kết chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp nếu để xảy ra tai nạn…

Nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ

 

Những
Những cây cầu tạm như thế này mất an toàn vào mùa mưa  lũ.

Những cây cầu tạm bắc qua sông Ba thường chỉ hữu hiệu vào mùa khô, khi dòng nước sông Ba xuống thấp. Vào mùa mưa lũ, những cây cầu này dễ dàng bị “xóa sổ” chỉ sau một cơn lũ. Đây cũng là lý do vì sao các chủ cầu thường chọn sử dụng các vật liệu rẻ, độ bền vừa phải để làm cầu. Nguy cơ mất an toàn một phần xuất phát từ nguyên do này.

Lý giải lý do vì sao dù phải trả tiền để được đi cầu tạm ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng người dân vẫn đi và không lựa chọn cầu bê tông dù không mất khoản phí nào, anh Nguyễn Văn Thắng (buôn Tring, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa), cho biết: “Đi cầu tạm cho nó gần, tiện và tiết kiệm thời gian. Nếu đi qua cầu Phú Cần thì vòng xa quá, mất mười mấy cây số”. Rút ngắn quãng đường, từ đó tiết kiệm thời gian cho việc đi lại là lý do lớn nhất khiến người dân lựa chọn cầu tạm. Trước nhu cầu và những lý do xuất phát từ thực tế này, sự tồn tại của những cây cầu tạm đã trở thành cần thiết và có ích. Vấn đề đặt ra là, làm sao bảo đảm an toàn cho người và phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra mới là điều quan trọng. Điều này càng bức thiết hơn khi mùa mưa lũ đã tới gần.

Ông Ksor Thép-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu (huyện Krông Pa), cho biết: Vào mùa mưa lũ, xã đã thành lập đoàn kiểm tra mức độ đảm bảo an toàn và yêu cầu các chủ cầu gia cố, sửa chữa nếu không đảm bảo; những chủ cầu nào không chịu gia cố xã sẽ cấm lưu thông. Riêng tại các cây cầu tạm thuộc địa bàn xã Chư Gu, hàng năm UBND xã đã buộc các chủ cầu phải làm bản cam kết đảm bảo an toàn. “Cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, UBND xã sẽ tổ chức kiểm tra và cho dừng đi cầu, chuyển sang đò do thời điểm này mưa lũ, nước lớn, đi cầu tạm không an toàn”.

Lê Hòa-Ngọc Thảo

Có thể bạn quan tâm