“Trong xã hội hiện nay, có nhiều người đang có rất nhiều tiền. Họ bỏ ra một phần tài sản, so với người lao động bình thường thì lớn, nhưng so với những người có tiền thì không đáng gì. Thậm chí, có nhiều người còn nói rằng, cái giá đó không đắt lắm”, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng nêu.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng
Xoay quanh thông tin nghi vấn chi 1 tỷ đồng mua điểm ở Sơn La, bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 28/5, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thương trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở cơ quan điều tra. Những vấn đề mà báo chí, dư luận đặt ra đó phải trông chờ vào kết luận điều tra. Những vấn đề được đặt ra đó đều có những lý lẽ riêng, không ai tự nhiên lại “đưa mình vào rọ”.
“Quy định pháp luật, nội quy, quy chế rất rõ ràng rồi, và họ thừa biết nếu làm trái thì hậu quả sẽ như thế nào! Chính vì vậy, công luận đặt ra vấn đề, tại sao người ta lại dám làm như vậy? Rõ ràng phải có ai đó nhờ vả, tác động, hoặc vì một thứ lợi ích cá nhân nào đó.
Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm làm rõ những vấn đề mà dư luận đặt ra. Từ những vấn đề đã phát hiện, từ những người đã khởi tố, cơ quan điều tra phải kiên trì, bằng kinh nghiệm, trách nhiệm và trí tuệ của mình để truy tìm dấu vết, làm sáng tỏ vụ việc”, ông Lượng cho hay.
Cũng theo đại biểu, có nhiều người hiện nay vẫn mong muốn con mình được đỗ đạt, đặc biệt ở những trường cao thì càng mong muốn. Vào được những trường mà khi ra trường có việc làm ngay, lương, thu nhập lại ổn định, có vị trí thì ai cũng thèm muốn cả. Thậm chí nhiều người còn coi đó là vinh dự, là cái danh của gia đình.
Chính vì vậy, bỏ ra một khoản vật chất nào đó tương xứng với cái đó cũng có thể chứ, không có gì bất ngờ với số tiền đó cả. Nếu như quan sát trong xã hội hiện nay, có nhiều người đang có rất nhiều tiền. Họ bỏ ra một phần tài sản, so với người lao động bình thường thì lớn, nhưng so với những người có tiền thì không đáng gì. Thậm chí, có nhiều người còn nói rằng, cái giá đó “không đắt lắm”.
“Nếu sau này điều tra phát hiện ra thông tin bỏ tiền chạy điểm đó, thì nó là một bằng chứng cho sự nguy hại trong việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong việc tận dụng sức mạnh vật chất để đánh đổi giá trị tinh thần. Đó cũng là một đòn giáng vào niềm tin xã hội.
Đó cũng là một biểu hiện để khẳng định, chứng minh thêm rằng, tiêu cực xã hội hiện nay đang ở mức tương đối nghiêm trọng, đã len lỏi vào đội ngũ cán bộ công chức, công quyền, đặc biệt trong đó có những người làm giáo dục”, ông Lượng cho hay.
Cũng theo đại biểu Lượng, việc ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phản ứng là chuyện bình thường nếu như bị người ta đổ lỗi. Thực tế ở nhiều địa phương khác, hoặc nhiều vụ việc khác, chúng ta thấy có nhiều người sau này bị điều tra truy tố, xác định được tội phạm, tội danh, thì trước đó họ cũng phản ứng cơ mà. Nên việc này vẫn thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra, phải chứng minh, còn việc phản ứng đó chưa nói lên điều gì cả, cũng bình thường thôi.
Về tiến độ xử lý, ông Phan Viết Lượng cho biết, cá nhân ông và Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có ý kiến với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi nghĩ Bộ Công an hiện cũng đang đứng trước một sức ép rất lớn, và ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đều đang cố gắng, tăng tốc để sớm đưa ra kết quả cuối cùng”, ông Lượng cho hay.
Luân Dũng (TPO)