Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chi trả chế độ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn: Tạo động lực cho cán bộ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc cân đối nguồn ngân sách chi trả kịp thời cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố cũng như những người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố sẽ tạo động lực cho họ yên tâm gắn bó với nhiệm vụ, nỗ lực cống hiến. 
Ngày 25-2-2021, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND quy định về chức danh, bố trí số lượng người, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố và kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn chi cho các đối tượng này đang là vấn đề trăn trở của nhiều địa phương.
Nỗ lực của cán bộ cơ sở
Lâu nay, người dân tổ 5 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã quá quen thuộc hình ảnh bà Võ Thị Ánh Nguyệt-Trưởng ban Công tác Mặt trận tất bật với công việc chung của cộng đồng. Các chính sách của phường hay thành phố triển khai hôm trước thì ngay hôm sau đã thấy bà đến từng nhà tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện. Có thời điểm tổ dân phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, mặc dù chưa được tiêm phòng mũi nào nhưng bà vẫn không quản ngại đi tiếp tế thực phẩm cho người dân. Gắn bó với công việc đã hơn 11 năm, từ chỗ chỉ được hỗ trợ 715 ngàn đồng/tháng, đến nay, bà nhận được hơn 1,8 triệu đồng/tháng, là mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách. Theo bà Nguyệt, có thêm chế độ thì cũng phấn khởi, nhưng trách nhiệm của người cán bộ đảng viên theo đó cũng tăng lên.
Là người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, trước đây, ông Ksor Trim-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân buôn Tơ Khế A (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) chỉ nhận mức hỗ trợ gần 870 ngàn đồng/tháng. Hiện nay, mức hỗ trợ đã được tăng lên trên 1,3 triệu đồng/tháng. Số tiền này chẳng bõ bèn gì với những công việc “không tên” ở thôn nhưng vì tinh thần trách nhiệm, vì sự tín nhiệm cao của người dân trong thôn nên ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con thoát nghèo. Còn bà Nguyễn Thị Duyên-phó tổ trưởng tổ dân phố 7 (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho rằng mức hỗ trợ hiện nay tương đối khá so với trước đây. Bà Duyên mong muốn mức hỗ trợ này tiếp tục được duy trì ổn định để động viên những người như bà tiếp tục gắn bó với công việc, tích cực hơn trong việc vận động người dân tham gia thực hiện các phong trào, hoạt động ở địa phương.
Chị Võ Thị Ánh Nguyệt (bìa trái)-Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 5 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tặng quà cho người dân trong thời điểm địa bàn diễn ra dịch Covid-19. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi: Kết quả hoạt động chung của địa phương đều có sự đóng góp rất tích cực của những người hoạt động không chuyên trách cũng như người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố. Họ luôn gần dân, gắn bó với phong trào, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: Hiện phường có 11 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 27 người ở thôn, tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp lần lượt bằng 1,6 và 1,35 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Ngoài ra còn có hơn 60 người trực tiếp tham gia công việc ở 6 tổ, 3 làng như: bí thư chi đoàn, phó bí thư chi bộ, phó trưởng thôn hoặc phó tổ trưởng tổ dân phố, các chi hội trưởng chi hội: cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân… chỉ được hưởng mức bồi dưỡng hàng tháng bằng 0,9 lần mức lương cơ sở/người. “Dù mức hỗ trợ thấp nhưng họ rất nỗ lực và trách nhiệm với công việc. Nhất là thời điểm xảy ra dịch Covid-19 hay các hoạt động như: vận động tiêm vắc xin, làm căn cước công dân, phòng-chống bão lụt… thì họ chính là “cánh tay nối dài” của Đảng bộ, chính quyền phường ở cơ sở, sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với địa phương lúc khó khăn”-ông Tùng nhận định.
Trong khi đó, ông Thái Văn Ngự-Chủ tịch UBND thị trấn Ia Kha-cho hay: Chính quyền thường xuyên làm công tác tư tưởng với những lực lượng này để họ chia sẻ khó khăn với địa phương, nhất là những lúc chưa đảm bảo việc chi trả kinh phí. Bằng cách cân đối từ nhiều nguồn, thị trấn luôn nghiên cứu các nguồn chi trả, hỗ trợ cho 11 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 39 người cấp thôn, tổ dân phố và 91 người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố. Đây là những người am hiểu địa bàn nên những vấn đề phát sinh tại cơ sở luôn được thông tin, giải quyết kịp thời.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul: Hiện xã có 12 cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, 9 người hoạt động ở 3 thôn và 21 người làm việc trực tiếp ở thôn. “Những người trực tiếp tham gia làm việc ở thôn không quản ngày đêm cùng hệ thống chính trị xã trắng đêm chống dịch Covid-19, phòng-chống lụt bão hay tổ chức di dời chuồng trại, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm… Chỉ được hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng/tháng nhưng đôi khi họ cũng gánh trách nhiệm như cán bộ chuyên trách. Có những người xem mức hỗ trợ này như là thu nhập chính của họ”-bà Trang cho hay.
Chủ động bố trí ngân sách phù hợp
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương còn hạn hẹp thì khó có khả năng cân đối nguồn chi cho cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn và người làm việc trực tiếp ở thôn, tổ dân phố. Chủ tịch UBND thị trấn Ia Kha cho rằng: “Hàng năm, thị trấn được giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước 3,9 tỷ đồng, trong đó, thị trấn được hưởng theo tỷ lệ điều tiết là 2,39 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, nguồn thu có chút biến động phát sinh từ giao dịch bất động sản, cộng với khoản tiết kiệm chi thường xuyên nhưng cũng chưa đủ so với kinh phí chi trả hơn 3 tỷ đồng/năm. Do vậy, địa phương khó đảm đương nổi nếu không có nguồn hỗ trợ ngân sách của huyện, tỉnh”.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang nêu thực trạng: Để thực hiện Nghị quyết số 136 của HĐND tỉnh, tổng nhu cầu kinh phí của huyện là trên 13,8 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã bố trí kinh phí chi trả hơn 6,8 tỷ đồng, hiện còn thiếu trên 7 tỷ đồng. “Số thu cân đối thực tế của huyện hàng năm trung bình 10 tỷ đồng, so với số kinh phí còn thiếu quá lớn nên việc phấn đấu tăng thu để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên nằm ngoài khả năng của huyện. Huyện đề nghị Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét cấp bổ sung kinh phí còn thiếu để địa phương tiếp tục thực hiện theo quy định”-bà Trang đề nghị.
Dù mức phụ cấp thấp nhưng những người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố rất nỗ lực và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-cũng đề nghị UBND tỉnh sớm rà soát và có phương án hướng dẫn để cấp huyện chủ động được nguồn ngân sách chi trả. Bí thư Huyện ủy Đak Đoa thông tin: “Hiện địa phương cũng “giật gấu vá vai” cắt giảm các nguồn chi cho phát triển để có nguồn chi trả chứ nguồn tăng thu của huyện không thể nào cân đối được. Đak Đoa có số tăng thu tương đối cao so với các huyện nhưng chẳng đáng bao nhiêu để bù đắp phần thiếu hụt đến mấy chục tỷ đồng. Việc chi trả này rất hiệu quả, nhất là chi cho con người để đảm bảo các hoạt động ở cấp cơ sở”.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng khẳng định: “Trên cơ sở rà soát các nguồn thu, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tạm ứng nguồn ngân sách cho các địa phương để đảm bảo chi đúng, đủ các chế độ quy định. Đồng thời, Sở sẽ thành lập tổ công tác phối hợp với các địa phương nhằm kiểm tra, đánh giá thực tế về tình hình thực hiện nghị quyết này. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, nếu khả năng ngân sách không đảm bảo thì sẽ điều chỉnh một số quy định đặc thù trong Nghị quyết số 136 để vừa phù hợp chính sách, vừa phù hợp với khả năng ngân sách địa phương. Cũng từ kết quả rà soát này và khả năng cân đối ngân sách năm 2023, Sở sẽ tham mưu tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh để bố trí kinh phí phù hợp”.
MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm