Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chiếc đèn bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mấy hôm nay, trời mưa dầm dề khiến tôi lại nhớ tới chiếc đèn bão. Mẹ tôi nói, chiếc đèn này có mặt trong gia đình trước lúc tôi chào đời. Sở dĩ người ta gọi là đèn bão vì nó có khả năng chịu gió bão rất tốt.

Đèn có màu xanh rêu, cao chừng 25 cm tính từ đáy bình lên đến chóp (không kể chiếc quai xách), được kết nối với nhau bởi 2 thanh sắt dày uốn cong cân đối. Bóng đèn làm bằng thủy tinh, nằm ở giữa thân đèn, hình trụ tròn, là điểm nối giữa bình chứa nhiên liệu và hàng lỗ thông khí.

Bóng được giữ chặt nhờ 4 thanh kim loại mỏng chạy dọc đều bên thân, có khớp nối tiện cho việc tháo mở lau chùi bóng và thay bấc đèn. Liền kề bên dưới hàng lỗ thông gió có tấm che hình tròn như vành mũ tai bèo, làm bằng kim loại đồng chất với các chi tiết khác của đèn.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Làng tôi nằm ở hạ nguồn dòng sông Côn của quê hương đất võ. Ngày trước, nhà cửa trong làng đều xập xệ; hệ thống kênh mương, đê điều chưa kiên cố; đầu nguồn chưa có hồ chứa, đập chắn. Đến mùa mưa bão, ai cũng lo lắng. Vì vậy, bình chứa nhiên liệu của chiếc đèn bão luôn đầy ắp, bấc đèn được khơi cao hoặc thay mới.

Miền đồng bằng, vùng hạ lưu dễ bị ngập lụt. Chỉ cần mưa vài ngày là nước sông đã dềnh lên. Bất chấp gió mưa, nhờ chiếc đèn bão mà cha mẹ tôi có thể kiểm tra mực nước dâng khi đêm tối; soi sáng ngôi nhà với chuồng gia súc, gia cầm để cùng lo thu xếp, di dời mọi thứ lên chỗ cao để tránh ngập. Đèn bão tỏa sáng không gian ngôi nhà, củng cố niềm tin cho mọi người trong đêm dài gió hú, mưa gào.

Tôi còn nhớ trong một đêm mưa gió bão bùng bỗng vang lên tiếng động lớn bất thường, đi kèm có tiếng kêu cứu vọng ra từ một nhà cùng xóm. Chiếc đèn bão lắc lư cầm tay, vội vã vượt đường đất hẹp trơn lầy, mưa gió, cha tôi là một trong những người đến nơi sớm nhất. Nhờ nguồn ánh sáng tuy yếu ớt hắt ra từ chiếc đèn bão mà mọi người đã cứu hộ thành công.

Những đêm cuối tháng Chạp, cha tôi thường thắp nhỏ ngọn đèn bão, treo trước hiên nhà. Cha bảo, làm như thế cho không gian ngôi nhà ấm hơn, đêm bớt dài và giúp người đi đường nhận ra phương hướng, đỡ quạnh hiu.

Ngày trước, quê tôi chưa có điện thắp sáng. Buổi tối, sau khi gà lên chuồng một lúc là làng xóm đã im ắng, chỉ nghe tiếng côn trùng, ếch nhái vọng về. Đường quê ngày trước hẹp, quanh co; có đoạn xuyên qua cánh đồng, hàng tre, khu gò mả. Đêm tối trời, không gian bên ngoài thêm tối và hoang vắng. Nhưng vì nhiều lý do, buộc người ta phải ra ngoài thì chiếc đèn bão trở thành người bạn đường thân thiết.

Cũng dưới ngọn đèn bão, anh em chúng tôi đã cùng nhau “sôi kinh nấu sử”. Để tạo ánh sáng phản chiếu trắng hơn, đỡ hại mắt lại tiết kiệm dầu, anh tôi đã nhặt những mẩu giấy tráng bạc về dán kín mặt trong của chao đèn. Hôm đầu tiên “thụ hưởng” giá trị từ sáng kiến ấy, chúng tôi ngẩn ngơ hồi lâu mới tập trung vào bài vở được.

Đi qua năm tháng, chiếc đèn bão ít có dịp dùng đến. Nó được bọc, treo giữ cẩn thận. Trước ngày giỗ cha, chúng tôi trở về ngôi nhà lưu dấu bao kỷ niệm, cùng lần giở, sử dụng vài vật dụng cũ. Chiếc đèn bão được tra dầu, khều bấc thắp sáng và treo trước hiên.

Các bóng đèn điện trong nhà, ngoài sân tạm tắt để dành không gian cho ánh sáng kỷ niệm hắt ra từ chiếc đèn bão soi vào miền ký ức lung linh. Chúng tôi cùng trông lên ngọn đèn mà thấy mắt ai cũng đỏ hoe, ngân ngấn nước.

Có thể bạn quan tâm