Phóng sự - Ký sự

Chiến sĩ quân y tuyến đầu chống dịch - Bài 2: "Hết dịch sẽ tặng em chiếc váy đẹp nhất…"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít chiến sĩ quân y đã gác lại niềm riêng lẫn hạnh phúc lứa đôi để đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch.
Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất của một đời người là được khoác lên mình tấm áo cưới, với lời chúc mừng của bạn bè và người thân. Không một ai mong muốn giây phút ấy chậm trễ một chút nào cả, càng không muốn bị trì hoãn quá lâu. Nhưng cũng chẳng ai ngờ, điều không muốn ấy đã xảy ra.
Hoãn cưới, lên đường chống dịch

Bên trong Bệnh viện dã chiến số 7 là những tiếng bước chân vội vàng, những cuộc trao đổi thông tin công tác nhanh chóng. Những bữa cơm lạnh ngắt, ngổn ngang… Đôi khi đang và vội miếng cơm cũng phải chạy đi khi người bệnh gọi.

Bác sĩ Mai Xuân Trường (Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 175) thăm khám cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 7, TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng.
Bác sĩ Mai Xuân Trường (Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 175) thăm khám cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 7, TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng
Bác sĩ Mai Xuân Trường (Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, anh nhận công tác tại đây hơn một tháng nay. Thời gian đầu cũng hơi khó bắt nhịp, nhưng hiện mọi thứ đã quen thuộc. Nhiệm vụ của anh là thăm khám bệnh nhân F0 ở các tầng và cho thuốc theo phác đồ điều trị.
Bác sĩ Trường kể, vợ của anh tên Lan Anh (26 tuổi), hai người quen nhau đã 3 năm và dự tổ chức đám cưới vào ngày 18/7. Nhưng do tình hình dịch bệnh, kế hoạch của hai người phải gác lại. "Buồn đó, nhưng không vì chuyện riêng của mình mà chúng tôi quên nhiệm vụ. Hơn nữa, cả thành phố cũng đang căng mình chống dịch", anh nói..
"Hơn tháng rồi vợ chồng chưa gặp nhau, chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại. Dời ngày cưới hẳn ai cũng buồn nhưng tôi cảm ơn vợ vì đã thấu hiểu và động viên tôi rất nhiều", Trường chia sẻ.
 
Bác sĩ Trường và vợ đã chụp ảnh chuẩn bị cho ngày cưới. Ảnh: NV cung cấp
Bác sĩ Trường và vợ đã chụp ảnh chuẩn bị cho ngày cưới. Ảnh: NV cung cấp
Bác sĩ Trường cho biết, mỗi lần gặp nhau qua điện thoại anh đều cầu mong cho dịch mau qua để thấy người thương của mình rạng ngời trong chiếc váy cưới. "Những lúc cô ấy buồn, tôi hay động viên vợ: Cố gắng hết dịch, anh sẽ tặng em chiếc váy cưới đẹp nhất. Chúng tôi xem đợt chống dịch Covid-19 như một thử thách để sau này sẽ trân trọng nhau nhiều hơn", bác sĩ Trường xúc động.
Cùng chung "chiến hào"
Cùng tâm trạng và cũng là đồng đội với bác sĩ Trường là trung úy - bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng (Khoa Nội tiết niệu, Bệnh viện Quân y 175). Mỗi khi nhắc đến vợ, bác sĩ Hoàng không giấu nổi hạnh phúc.
Anh và chị Trần Thị Thương quen nhau từ lúc cùng học với nhau ở Học viện Quân y ở Hà Nội. Anh chị ra trường và may mắn được làm việc chung ở Bệnh viện Quân y 175. 
Hai người đã có kế hoạch sẽ tổ chức thành hôn nhưng đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, nhận được sự kêu gọi của bệnh viện, Hoàng và Thương cùng gác lại hạnh phúc riêng để xung phong lên tuyến đầu chống dịch.
 
Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trong ngày ra quân, nhận công tác về Bệnh viện dã chiến số 7. Ảnh: BV cung cấp.
Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trong ngày ra quân, nhận công tác về Bệnh viện dã chiến số 7. Ảnh: BV cung cấp
"Vẫn biết là cả hai cùng đi thì mức độ nguy hiểm sẽ cao gấp đôi, tuy nhiên nhờ đi cùng mà chúng tôi dễ gặp, động viên nhau hơn", bác sĩ Hoàng nói.
Nói về khả năng có thể trở thành F0, Hoàng chia sẻ: "Đã bước vào đây rồi, chúng tôi không còn lo sợ nữa. Là bác sĩ, chúng tôi không cho phép mình bị vướng bận một suy nghĩ sợ sệt nào cả. Nhưng ở tuyến đầu, chúng tôi phải luôn nhắc nhở nhau cẩn thận hết mức. Vì đằng sau chúng tôi còn rất nhiều người cần giúp đỡ", anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng, ở bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, khối lượng công việc rất lớn, dồn dập, các y bác sĩ rất ít thời gian cho riêng bản thân chứ đừng nói thăm nhau.
"Có nhiều ngày, vợ chồng tôi chỉ có thể nghe được giọng nhau thông qua máy bộ đàm", anh Hoàng kể. 
Căng thẳng, áp lực, nhưng rồi nhìn những người bệnh dần khỏe lại  và xuất viện, các anh chị cảm thấy mình được tiếp thêm động lực để tiếp tục cuộc chiến với Covid-19.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ, trong 2 tháng qua, hơn 13.000 y bác sĩ từ các nơi khác đã được điều động vào tâm dịch phía Nam, trong đó, riêng TP.HCM là hơn 7.000 người.
Ngoài việc xa gia đình, người thân, các y bác sĩ tuyến đầu còn gặp áp lực khác nữa là tốc độ tử vong trong đợt này khá nhanh. Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu nhưng lại thiếu nhân viên y tế. Nhiều y bác sĩ đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân. Áp lực đè nặng hơn khi có đồng nghiệp hy sinh. Thực tế, thời gian qua đã có hơn 2.380 cán bộ y tế dương tính, một số y bác sĩ đã không qua khỏi.
Theo Chinh Hoàng (Dân Việt)
https://danviet.vn/chien-si-quan-y-tuyen-dau-chong-dich-bai-2-het-dich-se-tang-em-chiec-vay-dep-nhat-20210825102704762.htm

Có thể bạn quan tâm