Phóng sự - Ký sự

MẠCH NGUỒN TRI ÂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN - BÀI 1:

Chiến sỹ đặc công giữa 'địa ngục trần gian'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thương binh Nguyễn Văn Thiềng sinh năm 1949 ở Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tháng 1/1966, ông tham gia dân quân kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại địa phương. Tháng 12/1971, ông là lính đặc công chiến đấu ở Hiệp Hòa, Long An.
Thương binh Nguyễn Văn Thiềng trò chuyện với bác sĩ Phạm Thành Trụ - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An

Thương binh Nguyễn Văn Thiềng trò chuyện với bác sĩ Phạm Thành Trụ - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An

Rơi vào ổ phục kích

Trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim” (chương trình gặp mặt thương binh nặng toàn quốc tại Hà Nội do báo Tiền Phong tổ chức vào tháng 9/2023), chúng tôi rất mong sớm được gặp thương binh Thiềng dù đã được Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An Phạm Thành Trụ trao đổi qua điện về ông từ trước. Ông đeo đôi kính râm, dáng người thanh thoát, khỏe khoắn, chân tay sạm đen. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiềng kể gãy gọn, khúc chiết về những bước ngoặt của cuộc đời, trong chiến đấu và khi trở về quê hương.

Bước ngoặt thứ nhất của cuộc đời ông bắt đầu từ ngày 26/10/1972 khi Mỹ lật lọng, không ký hiệp định Paris. Để thể hiện sức mạnh chính nghĩa, quân dân miền Nam đồng loạt tấn công vào các đồn bốt, căn cứ trọng yếu trên chiến trường. Tiểu đội đặc công của ông được giao nhiệm vụ đánh căn cứ ở Hiệp Hòa, Long An. Lúc đó là 0h ngày 28/10, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhóm của ông bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch ở hướng khác về tiếp viện. Trong vòng khói lửa, ông Thiềng bị thương ở mắt.

“Đêm tối, cộng với việc bị thương, tôi nhìn không rõ nên khi bò thoát thân thì lọt vào trong vòng vây của địch. Chúng đồng loạt xả súng để tiêu diệt tôi. Tôi nằm rạp, duỗi thẳng 2 chân 2 tay, vờ chết. Sau đó 2 tên địch tiếp cận xốc tay, chân tôi đưa về. Khi đó, trong đầu tôi nghĩ, nếu tấn công vẫn có thể hạ được cả 2 tên để có đường thoát thân. Đi chừng ít phút, tôi đấm, đá thẳng vào hạ bộ, 2 tên gục tại chỗ. Tôi thoát được. Ra đến bờ sông rồi nhưng không có sức để bơi nữa, tôi nằm luôn ở đó”, ông Thiềng kể.

Ông Thiềng kể tiếp, nằm đến gần trưa ngày hôm sau, ông nghe thấy giọng nữ nói chuyện với nhau liền gọi nhờ cứu giúp nhưng không được. Quân địch truy tìm, bao vây và bắt được ông.

Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Thiềng - Hồ Thị Thắng

Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Thiềng - Hồ Thị Thắng

Kiên gan bền chí trong xà lim

Chúng đưa ông vào phòng thẩm vấn. Khi đó, đầu óc ông còn tỉnh táo nên đã định hình lời khai. “Tôi nghĩ và khai tên là Trần Văn Hoành SN 1952 quê quán xã Minh Trạch, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Cha tên Trần Minh Hoài, mẹ là Nguyễn Thị Bảo, em là Trần Thị Hòa cho cùng vần để dễ nhớ. Tôi khai là trình độ văn hóa chưa hết cấp 1, chưa vào Đoàn, mới vào Nam được 5 ngày để sẽ khai không biết căn cứ, địa hình của ta, không biết ai cả. Tôi cũng khai ít tuổi, mới vào chiến trường là phù hợp. Chúng hỏi tuổi tôi ít, sao lại già thế này(?). Tôi lại khai, hơn 6 tháng hành quân gian nan vất vả, sức khỏe kém nên già đi. Rồi chúng lại hỏi: Ngoài miền Bắc bộ đội toàn học hết lớp 7, lớp 10 sao anh lại học thấp? Tôi lại khai, do ở gần đồng bào dân tộc nên ít học là phù hợp. Nhiều ngày sau, chúng đều hỏi các câu hỏi đó, tôi đều trả lời y hệt thế. Rồi chúng đưa tôi vào tạm giam tại trại giam tỉnh Hậu Nghĩa (tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trước đây - PV)”, ông Thiềng kể.

Trong thời gian đó, do bị thương nặng, ông được quân cảnh Việt Nam cộng hòa bố trí y tá chăm sóc, cho ăn cháo, uống thuốc nhưng chân tay vẫn bị cùm. Hàng ngày, chúng dẫn ông lên hỏi cung, dùng mọi thủ đoạn để tra tấn. Điều ông nhớ nhất đến giờ là lúc bị tra tấn, ông được 2 y tá đưa ra ngoài để trốn khỏi khu biệt giam. Nhưng chạy đến mép taluy trại giam thì bị báo động. Ông bị bắt lại, tiếp tục bị đưa vào tra tấn, thẩm vấn. Lần này, ông liên tục bị hỏi ai là người đưa ra, là trai hay gái? Vẫn như ban đầu, ông vẫn còn tỉnh táo để xác định chỉ khai những gì đã khai. Còn những người phụ nữ đã dẫn ông chạy trốn, ông đều nói không biết vì bị đánh đập nhiều quá không còn cảm giác. Ông bị đánh liên tục, đến lúc bất tỉnh lại bị đưa về chuồng cọp. Đến ngày thứ 7, biết không khai thác được gì, chúng đưa ông về Trại giam Hố Nai, Biên Hòa.

“Chúng nghi ngờ tôi khai gian dối là do nhiều lính của chúng bị chết bằng thủ pháo (vũ khí của bộ đội đặc công), nhưng tôi lại khai là lính bộ binh. Lúc tôi bị bắt trên đầu vẫn còn mũ ngụy trang, quần xà lỏn, có một túi đựng thủ pháo. Chúng lại hỏi, bộ binh sao lại có túi đựng thủ pháo và vẫn ngụy trang. Tôi khai dù là lính nào chúng tôi đều ngụy trang để các ông khỏi phát hiện. Đến ngày thứ 5, tôi bị đánh bất tỉnh, rồi được đưa về phòng biệt giam”.

Thương binh Nguyễn Văn Thiềng

Trên đường đi, ông Thiềng vẫn bị xích chân, tay. Về trại giam Hố Nai, quân cảnh đưa ông thẳng về phòng thẩm vấn. Chúng dụ dỗ rằng, nếu khai, ông sẽ được tha được đưa về quê hương, được chăm sóc y tế. “Nhưng ở trại Hố Nai, quân cảnh gian xảo hơn, chúng điều tra và chứng minh tôi nói dối. Vì huyện Minh Hóa không có xã Minh Trạch như tôi khai. Lúc đó, tôi chỉ biết giả vờ không hiểu biết và nói rằng: Nhà ở gần người dân tộc thiểu số, không biết xã gì hết, khi đi bộ đội được cán bộ địa phương đọc thì nhớ và khai; các ông tin hay không tùy”, ông Thiềng nhớ lại và cho biết, nhiều ngày sau, ông đều trả lời y như thế vì biết khai sai cũng sẽ chết. Sau 3 ngày, chúng nhốt ông vào chuồng cọp, dưới là nền đá, trên là bàn chông; nóng không cho mát, lạnh không cho ấm, khát không cho nước, đói không cho ăn. Qua những cuộc tra tấn, sức ông cùng kiệt, mắt ông mù hẳn. Sau đó, chúng đưa ông về lại nhà giam. Ở đó, ông được đồng đội chăm sóc, chữa trị mới thoát chết.

Gia đình thương binh Nguyễn Văn Thiềng

Gia đình thương binh Nguyễn Văn Thiềng

Tình yêu thử lửa chiến tranh

Ông Thiềng ăn Tết năm 1973 trong trại giam Hố Nai. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, ông được đưa về quê. Trước đó, cô gái Hồ Thị Thắng (SN 1954) người cùng làng mà chàng lính đặc công Nguyễn Văn Thiềng đem lòng yêu mến trước khi vào chiến trường miền Nam đã tham gia dân công hỏa tuyến. Cô vào Nam phục vụ chiến trường, cùng với mong muốn vào tìm người yêu. Trên đường đi, cô dân công gặp được đồng đội của anh Thiềng và nghe tin anh đã hi sinh. Nhưng cô tin ở linh cảm, anh Thiềng còn sống nên hoàn thành nghĩa vụ, cô trở về quê hương và tiếp tục chờ đợi.

Sau khi nước nhà thống nhất, cựu chiến binh Thiềng được trao trả, trở về địa phương và được biết người yêu của ông vẫn chưa lập gia đình. Gặp lại nhau, chiến sĩ Thiềng mới biết sau bao năm, người yêu của ông vẫn đợi chờ. Nghĩ mình là thương binh nặng, không muốn làm khổ người yêu nên cựu chiến binh Thiềng muốn từ bỏ mối tình này. Nhưng cuối cùng, tình yêu chân thành, quyết tâm của cô gái Hồ Thị Thắng đã gắn kết họ nên duyên vợ chồng. Đến nay, người chiến binh quả cảm năm xưa đã có một gia đình hạnh phúc với những người con trưởng thành, thành đạt.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm