(GLO)- Đã 65 năm trôi qua nhưng ký ức về Chiến thắng Đak Pơ-”Điện Biên Phủ của Liên khu 5”-vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức những cựu chiến binh Trung đoàn 96. Bên cạnh niềm tự hào, những cựu chiến binh này cũng không thôi đau đáu về bao đồng đội nằm xuống đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.
“Điện Biên Phủ của Liên khu 5”
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Minh Châu (tổ 1, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ). Ông Châu là một trong 2 cựu chiến binh của Trung đoàn 96 hiện sinh sống tại huyện Đak Pơ. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chiến thắng chói lọi của Trung đoàn 96 năm xưa, ông vui vẻ tiếp chuyện ngay.
Ông Châu kể: “Trung tuần tháng 6-1954, Binh đoàn cơ động số 100 (GM100) của địch do không được tiếp tế, chi viện kịp thời, lại bị ta liên tục công kích nên buộc phải rút chạy khỏi An Khê. Nắm được tình hình, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 tiêu diệt quân địch trên đường rút chạy”. Tiểu đoàn của ông khi ấy đang đánh địch ở Quy Nhơn (Bình Định) cũng nhận được lệnh chia làm hai cánh hành quân, rẽ cây rừng tìm lối đi, bám sát quân địch, đợi thời cơ tấn công. Các Tiểu đoàn bộ binh 40, Liên đội đặc công cũng bám sát quân địch dọc theo quốc lộ 19. Ở phía trên, Trung đoàn 120 và lực lượng du kích địa phương cũng tổ chức phục kích địch, tạo thành thế gọng kìm vững chắc.
Ông Trần Minh Châu và chiếc mũ cối chứa đầy kỷ niệm. Ảnh: P.L |
Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 24-6-1954, khi đội hình hành quân của địch di chuyển đến vị trí dốc Đói, quân ta đã bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Bị tấn công bất ngờ, đội hình địch hoảng loạn, loay hoay tìm đường rút lui nhưng cả 4 phía đều bị quân ta bao vây. Thêm địa hình bất lợi, địch ở dưới thấp, ta phục kích ở trên cao nên chúng càng bị động, tan tác. “Sau nhiều ngày hành quân liên tục không ngừng nghỉ với muôn vàn khó khăn, mệt mỏi nhưng đến khi đánh giáp lá cà, bộ đội ta vô cùng dũng cảm. Quân địch tháo chạy tìm đường thoát thân bị quân ta bắt lại rất nhiều”-ông Châu xúc động kể lại.
Trận đánh kéo dài gần 7 tiếng đồng hồ, Trung đoàn 96 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã lập nên chiến công vang dội, xóa sổ binh đoàn cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp lúc bấy giờ. Chiến thắng này đúng như lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề”.
Trân trọng, đau đáu với quá khứ
Chiến thắng Đak Pơ là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, những năm qua, tỉnh cũng như huyện Đak Pơ luôn quan tâm đầu tư, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Đak Pơ. Năm 2015, công trình Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ đã khánh thành nằm trên đỉnh ngọn đồi sát bên quốc lộ 19, ai đi qua cũng có thể nhìn thấy. Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ cũng đã được xây dựng, dành phần lớn không gian để trưng bày 45 bức ảnh và một sa bàn mô phỏng diễn biến của trận đánh. “Hiện tại, nhà trưng bày mới đang được gấp rút hoàn thành ngay tại khu vực tượng đài. Các hiện vật sau này sẽ được chuyển lên trưng bày tại đây để mọi người khi tới dâng hương được tham quan, tìm hiểu đầy đủ về chiến thắng vang dội này hơn”-chị Phạm Thị Mỹ Dung-nhân viên Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ-chia sẻ.
Dù vậy, hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc những người lính từng tham gia trận đánh vì quá trân trọng với những kỷ vật của bản thân nên chưa muốn trao tặng cho Nhà lưu niệm. Như khi trò chuyện với chúng tôi, ông Châu lấy ra 2 chiếc mũ cối, trong đó một chiếc đã bong tróc hết phần vải bọc bên ngoài, lộ ra lớp nhựa cứng phía trong. Ông nói: “Ngày 25-6, sau khi chiến thắng, chúng tôi phải gấp rút hành quân về Quy Nhơn để tập kết ra Bắc nên không ai kịp mang theo thứ gì. Trên người chỉ có bộ quần áo, tay nải, cơm nắm, bi đông nước, súng đạn và… chiếc mũ cối này. Đây là chiếc mũ đầu tiên tôi được cấp khi ở đơn vị. Trông vậy mà tiện dụng lắm, ngoài đội đầu khi hành quân thì còn làm ghế ngồi họp, dùng để tát cá… Cũng có nhiều anh chị ở các bảo tàng đến ngỏ lời xin về trưng bày nhưng tôi chưa đồng ý vì nó là kỷ vật của một thời không thể nào quên”.
Cùng với ông Châu, ông Thái Diệp (91 tuổi, tổ 1, thị trấn Đak Pơ) cũng là cựu chiến binh Trung đoàn 96 tham gia trận đánh địch ở Đak Pơ năm 1954. Trải qua nhiều lần di chuyển, ông Diệp cũng không còn lưu giữ được kỷ vật nào của trận đánh huyền thoại ấy. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông không ngăn được dòng nước mắt mỗi khi nhắc về đồng đội. “Trận đánh ấy, có 147 đồng chí hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Chúng tôi may mắn được sống sót trở về, bao nhiêu năm qua vẫn chỉ nuôi một niềm hy vọng là các anh sẽ được đưa về với gia đình. Tôi mong Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm vấn đề này. Những người lính ngày ấy như chúng tôi bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vài năm nữa cũng về với đất cả”-ông Diệp rưng rưng nói.
PHƯƠNG LINH
----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này