"Chiến tranh không chết nhiều người như tai nạn giao thông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có nhiều người chết như tai nạn giao thông ở Việt Nam. Chính phủ coi 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong trật tự giao thông", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 28-11.

Phát biểu tại hội nghị an toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy lùi tai nạn, giảm ùn tắc tại hai thành phố lớn với mục giảm số vụ, số người chết, số người bị thương trong phạm vi cả nước từ 5 đến 10%.

"Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp về tai nạn giao thông. Tai nạn khiến nhiều gia đình ly tán, xã hội bất ổn. Nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không chết nhiều như ở Việt Nam", Phó thủ tướng phát biểu.

Mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Ông Phúc cho rằng khi vụ tai nạn chết cả chục người mà chỉ truy cứu được lái xe, trong khi chủ xe vô can là rất bất hợp lý. "Đất dành cho giao thông đã ít mà lòng đường lại bị chiếm dụng. Tại sao quy định đã có song thực hiện không hiệu quả, đó là đầu voi đuôi chuột", Phó thủ tướng bày tỏ.


Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đưa ra kế hoạch hành động "Năm an toàn giao thông 2012". Theo đó, mục tiêu giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương, giảm tối thiểu 20% số vụ ùn tắc giao thông, giảm các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 10 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 11.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 9.200 người và bị thương hơn 8.300 người. So với cùng kỳ năm trước, đã giảm 1,6% số vụ, giảm 1,2% số người chết song người bị thương tăng 2,6%.
Hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông như quy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; xử phạt mức cao nhất các hành vi như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, chở quá tải, dừng đỗ sai quy định...


Để đẩy lùi ùn tắc tại các thành phố lớn, các giải pháp được đưa ra như thực hiện nghiêm chủ trương vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện; huy động lực lượng xử lý hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; bố trí lệch giờ làm việc, học tập của cán bộ công nhân viên và sinh viên; cấm taxi, xe cá nhân trên một số tuyến trong giờ cao điểm.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết 80% số vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông, một bộ phận lái xe tải, xe khách có văn hóa yếu kém nên gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, do vậy cần tập trung quản lý lái xe từ khâu sát hạch và sau sát hạch.

Bộ trưởng Công an cho biết sẽ nghiêm túc xử lý cán bộ có hành vi tiêu cực, nhận mãi lộ. 2 năm qua, ngành công an đã xử lý 255 cảnh sát giao thông vi phạm quy định. Bên cạnh đó, ngành công an cũng tăng biên chế, tăng phụ cấp cho cảnh sát giao thông, bởi đây là công việc khó khăn, vất vả.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là ôtô vì ôtô chiếm dụng nhiều đường hơn xe máy. Thành phố mới đây đã đề xuất tăng phí trước bạ ôtô lên tới 20 triệu đồng.

Khẳng định quy hoạch sẽ là khâu đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các bãi đỗ xe ngoài vành đai 2, 3 và các bãi xe ngầm trong nội đô.

Theo VnExpress

Có thể bạn quan tâm