Chiêng như là sự đánh thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2006, UNESCO trao danh hiệu “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Và sau đó, một liên hoan (Festival) cồng chiêng quốc tế đã diễn ra ở Pleiku.
Nhiều người nhầm là UNESCO trao cho cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu này. Thực ra là trao cho toàn bộ không gian để chiêng tồn tại. Và “tiêu chuẩn” để trao là cái món di sản ấy phải đang trên bờ vực xóa sổ. Trao để mà giữ, mà bảo vệ.
Đội cồng chiêng nữ xã Tơ Tung (huyện Kbang) luôn duy trì hoạt động để bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Đức Thụy
Và, không gian chiêng cồng ấy quyết không phải là... phố, mà nó phải là làng. Làng Tây Nguyên với những yếu tố đặc trưng bền vững từ ngàn đời. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác giữ gìn và nó tồn tại, một cách hết sức tự nhiên, nhuần nhị chứ không phải hô hào, quyết tâm, cố gắng.
Nó chính là đời sống của dân làng, của thiên nhiên, của không gian sinh tồn. Và, không gian sinh tồn của người, làng Tây Nguyên chính là rừng. Làng rừng là đặc trưng cơ bản của Tây Nguyên, con người và đời sống Tây Nguyên.
Lần trước, Festival cồng chiêng quốc tế được tổ chức ở TP. Pleiku, tại quảng trường có sân khấu xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, trên nền nhạc... Nguyễn Cường và nhiều váy áo sặc sỡ kim tuyến, nhiều diễn viên măng mởn chuyên nghiệp căng cứng đường cong trong các vũ điệu hết sức khó đoán là nó thuộc vùng nào?
Nhưng cũng phải thông cảm thôi. Tổ chức đúng không gian nó sinh ra, tức là làng ấy thì thứ nhất là sẽ rất khó, cho cả Ban tổ chức và người dự. Tôi không gọi là khán giả vì những lễ hội Tây Nguyên thường là không có khán giả, mà ai cũng là chủ thể, ai cũng là thành phần chính, không có ai ngoài cuộc. Và đấy mới chính là cái làm nên hồn cốt của lễ hội Tây Nguyên. Thứ nữa, quan trọng hơn, không gian làng-rừng về cơ bản không còn nhiều. 
Tây Nguyên, sau rất nhiều xáo trộn, do cả chủ quan và khách quan, đã khác trước nhiều. Có cái khác tích cực, có cái khác tiêu cực. Cái tích cực thì lại xa rời truyền thống, cái tiêu cực nó cứ ám ngay vào. Người ta đã cố làm rất nhiều cho Tây Nguyên, có những chương trình rất lớn cho Tây Nguyên, nhưng có vẻ như cái mà Tây Nguyên được hưởng lại chưa tương xứng. Một hệ thống thiết chế văn hóa với những nhà rông gọi là nhà rông văn hóa khổng lồ đã bị bỏ không, mục nát rồi... biến mất như nó chưa từng có trên đời này... Nếu không ký ức, không mong nhớ, không neo trong đời con người một điều gì thì đấy chỉ là chỗ trọ chứ không phải là làng.
Nặng nhất với Tây Nguyên là chuyện rừng đang mất dần.
Chúng ta, bằng kế hoạch và cả phi kế hoạch, bằng công khai và cả... bất công khai, có từng đợt phá rừng Tây Nguyên có thể kể ra thành giai đoạn và giai đoạn sau thường mạnh mẽ quy mô hơn giai đoạn trước, chi li hơn và ồ ạt hơn, từ phá rừng trồng cây lương thực cứu đói, đến giao cho cho các nông-lâm trường, đến kinh tế mới và roi rói nhất là phá 50 ngàn ha rừng (cái gọi là) nghèo để trồng cao su, với quan niệm cao su cũng là... rừng.
Festival cồng chiêng có thể coi như là một cuộc đánh thức phần hồn của Tây Nguyên bằng chiêng. Nhưng hãy nhớ, không có lễ hội cồng chiêng, mà cồng chiêng chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó. Nó là một phần bắt buộc phải có của lễ hội chứ bản thân nó không phải và chưa bao giờ là một lễ hội hoàn chỉnh. Nhưng cồng chiêng lại gắn với người Tây Nguyên từ khi sinh ra tới lúc chết đi, tất cả các nghi lễ đều phải có chiêng tham gia, dẫu nó là một thứ “nhập tịch” chứ người Tây Nguyên không làm ra chiêng. Họ chỉ đi mua/đổi về để sử dụng.
Và, Tây Nguyên không chỉ có chiêng. Còn nhiều thứ nữa gắn quyện, bền chặt để làm nên đời sống văn hóa tinh thần Tây Nguyên. Vật chất Tây Nguyên, có thể thô sơ, có thể đơn giản, nhưng thế giới tinh thần thì ăm ắp năng lượng văn hóa, thứ vừa mỏng manh vừa bền vững, vừa khoảnh khắc vừa trường tồn... để có thể hiện diện trên cõi đời này hàng vạn năm, song hành tồn tại và định hướng đời sống con người vùng đất này từ thuở ấy đến giờ.
Nhưng (lại nhưng!), quả là, chỉ một cây guitar, hơn tí là cây organ, có thể thay cả dàn chiêng. Và, nhà sàn ở rất thích nhưng nhà Tây cũng ổn. Thời trang, hàng hiệu... cũng là món mà không phải Tây Nguyên không ưa.
Ơ thế thì nó phải thế nào? Thì thế mới cần... bàn thảo!
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm