Sẵn sàng cho ngày hội lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai sẽ diễn ra. Hiện các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, hàng trăm nghệ nhân cũng đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
 Đội cồng chiêng của làng Groi 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa) vẫn hăng say tập luyện dù trời đã tối mịt. Ảnh: P.L
Đội cồng chiêng của làng Groi 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa) vẫn hăng say tập luyện dù trời đã tối mịt. Ảnh: P.L
Khoảng 18 giờ, đội cồng chiêng và múa xoang của làng Groi 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã tập trung tại nhà già Alip. Bộ cồng chiêng được đem ra, mọi người ai nấy đều mặc những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Tranh thủ lúc mọi người đang bàn bạc, già Đâu chỉnh lại âm một vài chiếc cồng, chiêng bị “lạc giọng”. Già Đâu nói: “Sắp đi biểu diễn rồi, mình chỉnh lại âm bộ chiêng sao cho thật chuẩn, thật vang để cùng hòa nhịp nhuần nhuyễn với nhau. Một chiếc chiêng lạc giọng là cả bộ chiêng sẽ mất  hay”. Rồi các thành viên nhanh chóng đứng vào hàng, tiếng trống nổi lên, tiếng cồng chiêng vui tươi bài “Mừng lúa mới” cũng được tấu lên rộn ràng, say đắm.
Từ tháng 9, cứ vào tối thứ bảy hàng tuần, đội cồng chiêng của làng Groi 2 lại tổ chức tập luyện để tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Lịch tập luyện càng lúc càng dày để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý từ nhịp chiêng, nhịp xoang cho đến phong thái biểu diễn. Già Alip chia sẻ: “Nghe nói sẽ được biểu diễn ở Festival, dân làng vui lắm. Mọi người cứ gặp mình ở đâu là hỏi tập luyện thế nào, khi nào thì đi. Thành viên đội cồng chiêng còn vui hơn, tập luyện đông đủ, không vắng buổi nào”. Tại Festival năm nay, đội cồng chiêng và múa xoang gồm 42 thành viên của làng Groi 2 sẽ đại diện cho huyện Đak Đoa tham gia. Ai cũng nhận thấy trọng trách giới thiệu cho bạn bè gần xa nghệ thuật và văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Bahnar. Các bài chiêng mừng lúa mới, đâm trâu, pơ thi, tạ ơn, mừng chiến thắng… được các già làng hướng dẫn luyện tập cho đám thanh niên kỹ càng, tỉ mỉ. Từng làn điệu dân ca cũng được trau chuốt mượt mà, đằm thắm hơn. Những chiếc đàn trưng, đàn goong được già Alip chỉnh lại âm, lau chùi cẩn thận.
Già Đâu (bìa phải) lấy lại âm chuẩn cho bộ chiêng của làng để tham gia biểu diễn tại Festival. Ảnh: P.L
Già Đâu (bìa phải) lấy lại âm chuẩn cho bộ chiêng của làng để tham gia biểu diễn tại Festival. Ảnh: P.L
Những ngày này, nghệ nhân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) và làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) đã tạm dừng luyện tập để chuẩn bị đạo cụ cho các tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại Festival. 5 chiếc gùi có kích thước khổng lồ (đường kính khoảng 1,2 m, cao 1,4 m) do 5 nghệ nhân tài hoa thực hiện trong 3 ngày, dùng cho đêm khai mạc Festival. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng chuẩn bị thêm những chiếc khiên, cây nêu, hình nộm… cho các tiết mục biểu diễn cồng chiêng và phục dựng lễ hội. Để chuẩn bị cho Festival, chị Đinh Dao (xã Tơ Tung, người tham gia trong đội cồng chiêng nữ của làng Leng từ những ngày đầu mới thành lập) cho biết trước đó chị và các thành viên đã cùng nhau tập luyện chăm chỉ, mỗi tuần 2 buổi. “Mình mong đến ngày lên TP. Pleiku biểu diễn lắm. Cả đội đã chờ và tập luyện lâu rồi, hy vọng mọi người thích các tiết mục của đội mình”-chị Dao bày tỏ. Ông Đinh A Ngưi-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Thanh thiếu nhi huyện Kbang-cho hay: “Huyện Kbang có 2 đoàn nghệ nhân tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay. Trong đó có đội cồng chiêng của làng Mơ Hra và đội cồng chiêng nữ của làng Leng. Từ tháng 9, chúng tôi đã lên kịch bản, kế hoạch chương trình và tiến hành tập luyện. Không chỉ “thuộc bài”, chúng tôi còn chuẩn bị kỹ lưỡng đạo cụ, cách thức trình diễn, biểu cảm sắc thái, làm sao để chuyển tải, giới thiệu được hết sự phong phú, đặc sắc của văn hóa dân tộc với các tỉnh bạn”.
Theo ghi nhận của P.V, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã sẵn sàng tham gia Festival. Các đội nghệ nhân đã tập luyện rất kỹ lưỡng, chu đáo. Phương tiện đi lại, nơi ăn chốn ở cho đoàn nghệ nhân trong những ngày Festival diễn ra cũng đã hoàn tất. Ông Nguyễn Viết Mạnh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pưh, chia sẻ: “Các nghệ nhân đại diện cho huyện tham gia Festival đều rất phấn khởi, vui mừng và tự hào khi đem văn hóa truyền thống của mình giới thiệu với các dân tộc khác. Ai cũng háo hức tập luyện, mong chờ đến ngày Festival khai mạc. Các khâu hậu cần phục vụ nghệ nhân cũng được chúng tôi chuẩn bị xong, chỉ chờ ngày lên đường”.   
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm