(GLO)- Chiều 20-11, Ban tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 tổ chức cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội này. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, Kpă Thuyên chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, hiện tại, 11 hoạt động chính thuộc Festival đã được các sở, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, cơ bản hoàn tất theo đúng kế hoạch. Theo đó, các hoạt động chính diễn ra từ ngày 29-11 đến 2-12 như sau: Chương trình khai mạc sẽ diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ ngày 30-11, lễ bế mạc diễn ra từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ ngày 2-12 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku).
Lễ hội đường phố có sự tham gia của hơn 1 ngàn người thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ 4 tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các tỉnh tại 3 địa điểm: công viên Diên Hồng, công viên Đồng Xanh và sân nhà rông làng Ốp (TP.Pleiku). Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” tại khách sạn Pleiku Palace, dự kiến có 140 đại biểu tham dự, 40 tác giả có tham luận, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học…; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, các sản phẩm tượng sau khi hoàn thành được ghi tên, tuổi, địa chỉ nghệ nhân lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Sinh hoạt văn nghệ dân gian (diễn xướng sử thi, hát dân ca) tại Bảo tàng tỉnh. Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”, triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của hoạ sĩ Xu Man tại đường Anh hùng Núp. Triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng tỉnh; công bố tour du lịch cộng đồng, tổ chức khảo sát du lịch và toạ đàm “Liên kết phát triển tour du lịch Gia Lai với các địa phương”; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bên cạnh đó, công tác tài chính, lễ tân, tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự… cơ bản hoàn tất, đồng thời có các phương án dự phòng. Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã làm việc với Điện lực Pleiku và các đơn vị liên quan hoàn thành việc khảo sát, thống nhất các vị trí lắp đặt tủ cấp điện, máy phát điện dự phòng, hệ thống đèn chiếu sáng (nếu có sự cố) tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết để phục vụ cho các hoạt động tại Festival. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, cứu chữa người, đồng thời có xe cứu thương với đội ngũ y-bác sĩ, thuốc men đầy đủ để xử lý kịp thời những tình huống không may xảy ra trong lễ hội; kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau lễ hội.
Để hướng dẫn bạn bè và du khách đến Gia Lai tham gia lễ hội được thuận tiện, Tỉnh Đoàn đã lựa chọn 150 tình nguyện viên trên tổng số 10 ngàn người đăng ký tham gia với các tiêu chí cụ thể về ngoại hình, kiến thức, đồng thời phối hợp Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tập huấn về cách hướng dẫn, tiếp đón để mang đến hình ảnh đẹp, thân thiện về Gia Lai; phối hợp với TP.Pleiku, Hội Doanh nhân trẻ vận động trên 800 nhà vệ sinh cộng đồng phục vụ lễ hội với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”, tuyên truyền về địa chỉ các nhà vệ sinh này trên mạng xã hội và website của Tỉnh Đoàn; tổ chức cho 400 tình nguyện viên thu dọn vệ sinh khu lâm viên Biển Hồ và một số danh thắng địa phương…
Ngoài ra, Sở Thông tin-Truyền thông đã xây dựng website về các hoạt động của Festival ở địa chỉ http://festivalcongchieng.gialai.gov.vn/. Bạn bè và du khách có thể tìm kiếm thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động của Festival ở địa chỉ trên. Hiện đã có 25 tỉnh, thành tuyên truyền cho Festival, dẫn lại đường link trên website của các tỉnh.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Ban tổ chức Festival cần có phương án dự phòng, tổ chức chương trình khai mạc, bế mạc theo đúng thời gian quy định, trang trọng nhưng phải tiết kiệm, đồng thời cập nhật chặt chẽ thông tin thời tiết trong ngày khai mạc, bế mạc; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng lưu ý công tác tổ chức, đón tiếp chu đáo các đoàn trong và ngoài tỉnh về tham gia lễ hội, trưng tập lực lượng tình nguyện viên đưa đón, hướng dẫn du khách một cách trọng thị và an toàn. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chặt chém, niêm yết giá công khai các dịch vụ; tuyên truyền, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh không được lợi dụng Festival để chặt chém, làm xấu xí hình ảnh của địa phương; bố trí và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các nhà vệ sinh công cộng xung quanh quảng trường
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Y tế cần yêu cầu các nhà hàng, quán ăn lưu trữ mẫu thức ăn trong những ngày diễn ra lễ hội; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cần dự phòng phương án phòng-chống, xử lý cháy nổ, tăng cường công tác phòng-chống trộm cắp, cướp giật, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới…. Sở Công Thương đề nghị Điện lực bố trí 1 tổ ứng cứu sự cố về điện để chủ động và kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra, qua đó chung tay tổ chức thành công lễ hội văn hóa đặc sắc mang tầm khu vực trong năm 2018 này.
Hoàng Ngọc