Đặc sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ của Festival Cồng chiêng, Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” với hoạt động trưng bày cùng diễn xướng đem lại một không gian rực rỡ sắc màu văn hóa và nghệ thuật trải dài từ Nam tới Bắc. Triển lãm trở thành một điểm nhấn rất riêng, thu hút đông đảo du khách.  

Không gian đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Ảnh: Phương Linh
Không gian đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Ảnh: Phương Linh



Từ 8 giờ sáng, tiếng đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, đàn tì bà… cùng lời ca tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào của các nghệ nhân đờn ca tài tử đến từ TP. Hồ Chí Minh vang vọng khắp không gian triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (TP. Pleiku). Khách lần theo lời ca tiếng nhạc đổ về thưởng thức ngày càng đông, nhất là trước gian trưng bày của TP. Hồ Chí Minh. Chương trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ với các ca khúc về quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa giai điệu mượt mà, đậm chất Nam bộ cuốn hút người xem loại hình nghệ thuật của  miền sông nước. Đờn ca tài tử Nam bộ có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế, là loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh sớm nhất của Việt Nam. Chất hàn lâm của Nhã nhạc cung đình được cái chân chất, hồn hậu, giản dị, mộc mạc của Nam bộ hòa lẫn, làm thành nghệ thuật đờn ca tài tử hấp dẫn lòng người, nhất là cư dân miền sông nước. Anh Nguyễn Thanh Văn (huyện Đak Đoa, Gia Lai) không giấu được sự thích thú khi thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử tại triển lãm, đã chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp xem các nghệ sĩ biểu diễn. Rất ấn tượng và thu hút. Nghệ sĩ nào giọng ca cũng “ngọt”, cũng mê say. Nhạc công thì biểu diễn đầy hứng khởi và điều luyện”.

Mặc dù gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử lâu năm, biểu diễn ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Khoa (TP. Hồ Chí Minh) có mặt ở Gia Lai. “Đưa đờn ca tài tử đến tham gia trình diễn tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, chúng tôi mong du khách có thêm một trải nghiệm thú vị với không gian nghệ thuật đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để nhân dân nơi đây thấy được sự phong phú, đặc sắc văn hóa của dân tộc ta”-ông Tấn Khoa bày tỏ.    

Du khách tấp nập đến tham quan tại Triển lãm Nhạc cụ. Ảnh: Phương Linh
Du khách tấp nập đến tham quan tại Triển lãm Nhạc cụ. Ảnh: Phương Linh



Trong những ngày diễn ra Festival,  không gian triển  lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam còn có nhiều chương trình nghệ thuật của các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Bắc Giang, Điện Biên, Đak Nông, Tuyên Quang, Hải Phòng… Triển lãm chia thành nhiều khu vực trên một không gian khá rộng. Khu vực trưng bày chung có Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc cụ của các loại hình nghệ thuật khác được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới như Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Trù, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát Xoan, Dân ca bài Chòi. Ngoài ra thông qua tranh, ảnh, tư liệu, khu vực này cũng giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của từng vùng miền. Người Kinh ở vùng đồng bằng Trung du Bắc bộ có đàn nhị, sáo, mõ, phách, trống, kèn, đàn bầu, đàn nguyệt, sinh tiền… Người Hmông, Dao, Thái, Tày, Nùng, Pà Thẻn, Cờ Lao, La Chí… ở khu vực miền núi phía Bắc có đàn tính, khèn, nhạc sóc, thanh la, não bạt, chuông lắc, lềnh pài… Các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên có cồng chiêng, t’rưng, đàn đá, trống, sáo, kèn sừng trâu, lục lạc… Dân tộc Kinh, Hoa, Khơ Me, Chăm ở Nam Bộ có sáo, kèn, nhị, đàn tì bà, đàn tranh… Bên cạnh đó, các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đak Lak, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, TP. Đà Nẵng cũng có những gian trưng bày riêng để giới thiệu những nhạc cụ, trang phục truyền thống của các dân tộc đặc trưng của địa phương. Các tỉnh còn khéo léo kết hợp bài trí giới thiệu những sản vật, nét văn hóa và điểm đến hấp dẫn của mình cho du khách.



Sự đa dạng, phong phú trong thiết kế, nội dung trưng bày và âm vang lời ca, điệu nhạc, khu vực Triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam luôn đông đúc, tấp nập người đến tham quan, thưởng thức. Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (TP. Pleiku, Gia Lai) vui vẻ cho biết: “Tôi rất thích không gian thể hiện nghệ thuật đờn ca tài tử. Những khu vực khác ngoài âm nhạc diễn xướng, hiện vật trưng bày cũng phong phú, đa dạng không kém. Có đến đây mới biết gia tài âm nhạc các dân tộc Việt Nam giàu có như thế nào, nhiều loại nhạc cụ tôi chưa từng biết thì nay được mắt thấy, tay sờ và tai nghe. Triển lãm kiểu này rất thú vị và ý nghĩa”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm