(GLO)- Những ngày này, các nghệ nhân ở huyện Chư Prông, Gia Lai đang hăng say tập luyện, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.
Chúng tôi đến làng Quen (xã Ia Me, huyện Chư Prông, Gia Lai) khi đội cồng chiêng của làng đã hoàn thành buổi tổng duyệt cuối cùng trước khi lên đường tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Ông Bùi Văn Nghị-Chủ tịch UBND xã Ia Me-cho biết: Sau khi được chọn tham gia lễ hội, hơn 1 tháng nay, đội cồng chiêng gồm 45 người của làng Quen đã tiến hành luyện tập. Ngoài kinh phí huyện hỗ trợ, xã cũng đã trích 10 triệu đồng mua 1 con bò cho bà con liên hoan trước khi đi dự Festival.
Các nghệ nhân tham gia luyện tập trước ngày hội lớn. Ảnh: V.H |
Mặc dù năm nay đã 60 tuổi nhưng khi tham gia đội cồng chiêng của làng Quen, ông Rơ Lan Tôn vẫn hăng say luyện tập. Ông Tôn cho biết: “Đội cồng chiêng của làng mình từng được đi biểu diễn ở Hà Nội và Cần Thơ. Lần này vui hơn vì được biểu diễn trong một sự kiện lớn do tỉnh tổ chức. Vì vậy, tất cả thành viên trong đội luôn cố gắng dành thời gian luyện tập để thành thục hơn”.
Là người nhỏ tuổi nhất tham gia đội cồng chiêng của làng Quen, em Rơ Lan Thê (9 tuổi) ngoài giờ lên lớp học bài cũng tích cực theo dân làng luyện tập. “Được phân công phụ họa giật rối cùng đội cồng chiêng, em rất vui. Là người biểu diễn trong hàng đầu của đội nên em phải tập luyện nhiều để đi đứng, giật rối phù hợp với nhịp điệu của tiếng cồng chiêng và điệu múa”-Thê nói.
Tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, đoàn nghệ nhân huyện Chư Prông có 82 người. Trong đó có 2 đội cồng chiêng (Jrai 47 người, Mường 16 người), 1 nghệ nhân tạc tượng, 2 nghệ nhân đan lát, 1 nghệ nhân chỉnh chiêng, 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm và 1 nghệ nhân hát dân ca. Ngoài ra, huyện cũng tham gia 3 gian hàng với 4 mặt hàng chủ đạo của địa phương gồm: cà phê, hồ tiêu, mật ong, chè. |
Tại Festival lần này, đội cồng chiêng nữ của dân tộc Mường tại xã Ia Lâu cũng vinh dự góp mặt. Bà Đinh Thị Chiên chia sẻ: “Chúng tôi vào đây sinh sống đã lâu nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Đội chiêng nữ dân tộc Mường vẫn tham gia biểu diễn cùng các đội cồng chiêng của người Jrai mỗi khi địa phương có các sự kiện lớn. Tại Festival sắp tới, chúng tôi sẽ biểu diễn bài chiêng “Sắc bùa” truyền thống của dân tộc mình”.
Không chỉ thành viên các đội cồng chiêng mà tất cả các nghệ nhân của huyện Chư Prông tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên cũng đều đã sẵn sàng. Ông Kpă Klach (làng Nẻ, xã Ia Tôr)-nghệ nhân duy nhất của huyện tham gia nội dung tạc tượng tại Festival-tâm sự: “Bằng những dụng cụ hết sức thô sơ như dao, rựa, nghệ nhân tạc tượng phải biến một khúc gỗ bất kỳ thành nhân vật sống động, có sắc thái biểu cảm riêng biệt. Tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ và mong đến ngày để làm ra những bức tượng đẹp, qua đó thể hiện nét đẹp của người Jrai, góp phần cho Festival thành công”.
Liên quan đến công tác chuẩn bị của huyện để tham dự Festival, ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-thông tin: Đến thời điểm này, mọi thứ đã cơ bản hoàn thành. Huyện ủy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nghệ nhân tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, huyện xuất kinh phí mua sắm trang phục cho 2 đội cồng chiêng và các nghệ nhân tham gia. Ngoài ra, huyện còn liên hệ chỗ ăn, ở và phương tiện di chuyển cho đoàn. “Không phải đến dịp Festival lần này mà hàng năm, chính quyền các cấp trong huyện đều tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở, qua đó nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn; động viên bà con chăm lo lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”-ông Dũng nhấn mạnh.
Vĩnh Hoàng