(GLO)- Trong hơn 1.000 nghệ nhân tụ hội về TP. Pleiku dịp này, có người đã từng tham gia 2 kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng. Có người đã ở tuổi bát thập nhưng cũng có những em nhỏ vừa bước vào lớp 1. Hơn hết, họ đều là những “sứ giả” của văn hóa, đại diện cho dân tộc trình diễn những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc nhất.
Những dịp lễ hội đặc biệt như Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đội ngũ đầu tiên và chắc chắn sẽ góp mặt chính là các Nghệ nhân Ưu tú-những người đã dành cả đời cho việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ông là bậc thầy chỉnh chiêng ở khu vực Đông Nam tỉnh. Từ Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009, cái tên Nay Phai dần được biết đến nhiều hơn mặc dù ông có quá trình đóng góp cho cồng chiêng trước đó rất lâu. “Tại Festival năm 2009, tôi cũng tham gia trình diễn chỉnh chiêng. Hồi ấy có rất nhiều nhà báo, phóng viên đến quay phim, phỏng vấn. Qua Festival 2009, tôi học hỏi được rất nhiều về cồng chiêng, nhạc cụ cũng như âm nhạc của các dân tộc khác nên thấy vui lắm”-nghệ nhân Nay Phai chia sẻ. Vì vậy, đến tham dự Festival lần này, ông lại bồi hồi: “Tôi thật sự rất mong đợi sự kiện này vì tại đây có rất nhiều dân tộc khác nhau cùng tập trung về. Đây là cơ hội để chúng tôi được trao đổi, học hỏi những điều hay từ đời sống sinh hoạt, nghi thức đến lễ hội”.
Đội nghệ nhân huyện Kbang tập luyện phục vụ khai mạc Festival. Ảnh: P.L |
Trong hơn 1.000 nghệ nhân tham gia Festival, có lẽ già Khưi (làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa) là người lớn tuổi nhất. Dù đã 88 tuổi nhưng trông ông vẫn khá rắn rỏi. Già Khưi từng là nghệ nhân tạc tượng nổi danh khắp trong và ngoài xã; nhà nào, làng nào có bỏ mả đều nhờ ông đến tạc tượng giúp. Bây giờ, sức khỏe của già Khưi không còn được như trước, từng nhát rìu đã kém sức nên già không còn tạc tượng được nữa. Thế nhưng khi biết tỉnh chuẩn bị tổ chức Festival, già vẫn mong muốn được tham gia lắm. Nghệ nhân Alip-Đội trưởng đội cồng chiêng làng Groi 2 (xã Glar) cho hay: “Nghe tin làng Groi 2 được chọn đi biểu diễn cồng chiêng tại Festival, ông Khưi đến gặp tôi để xin được tham gia cùng vì ông chưa bao giờ dự một sự kiện lớn như vậy. Tôi liền đồng ý vì ông cũng giỏi cồng chiêng. Mặc dù tuổi cao nhưng ông rất ít khi vắng mặt trong các buổi tập luyện và tập rất chăm chỉ”. Với già Khưi, đây là kỳ Festival đầu tiên nhưng cũng có thể là cuối cùng nên già vô cùng háo hức.
Festival lần này còn có sự tham gia đông đảo của lực lượng nghệ nhân “nhí”. Trong tất cả các đoàn cồng chiêng về tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, gây chú ý nhất có lẽ là đội cồng chiêng “nhí” của huyện Kông Chro. Đội có khoảng 30 thành viên là các em học sinh, trong đó nhỏ nhất mới 6 tuổi. Cậu bé Min (6 tuổi, làng Tờ Nùng 1, xã Ya Ma) đưa cặp mắt to tròn tò mò quan sát khắp Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng lớn. Đây là lần đầu tiên Min đi xa mà không có cha mẹ đi cùng. Cho nên cái gì với Min cũng lạ lẫm, bất cứ ai hỏi han cũng khiến em e dè, ngại ngùng không dám nói chuyện. Thế nhưng, đảm nhiệm vai pơtual trong đội chiêng, khi biểu diễn Min liền trở thành một cậu bé lanh lợi, mạnh dạn và không ngại ngần thể hiện những động tác gây hài, tạo hứng thú cho người xem. Hay cặp anh em Đinh Văn Gun (14 tuổi) và Đinh Thị Chóa (8 tuổi, làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cũng được theo ông bà nội góp sức trong đội cồng chiêng của huyện Kbang tham gia Festival. Giống như Min, 2 anh em khá rụt rè khi trò chuyện với người lạ. Sau một lúc làm quen, Gun nói: “Lần đầu tiên cháu được tham gia lễ hội lớn nên rất vui. Ở đây được gặp nhiều bạn ở các làng khác, dân tộc khác, thấy ai cũng đều biểu diễn cồng chiêng rất hay. Mong là sau này cháu sẽ được tham gia nhiều lễ hội như thế này”.
Qua sự kiện văn hóa này, đội ngũ nghệ nhân “nhí” đã được tận mắt chứng kiến sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của văn hóa truyền thống, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm tự hào và ý thức gìn giữ văn hóa, đặc biệt là cồng chiêng. Điều này có ý nghĩa rất lớn, như nghệ nhân Đinh Hmưng (làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ: “Bây giờ, mình còn khỏe nhưng sau này già đi thì phải có người khác thay mình dạy lớp trẻ đánh cồng chiêng, giữ lại truyền thống của ông bà. Thế nên cho mấy đứa nhỏ đi theo, để chúng được học, được biết mà cố gắng hơn nữa”.
Phương Linh - Công Chánh