Thời sự - Bình luận

Chiều sâu hợp tác kinh tế quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với xu hướng này, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục triển vọng và chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.

Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến cuối tháng 9-2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện hơn 17,3 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, thu hút FDI không chỉ là một điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng qua, cũng không đột biến trong ngắn hạn mà sự tăng trưởng là "quả ngọt" của cả một quá trình và xu hướng đã được dự báo trước đó.

Ngay sau đại dịch COVID-19, vốn FDI chảy vào Việt Nam đã tích cực trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ một số nước trong khu vực, nhất là từ Trung Quốc; các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng; đi cùng với nỗ lực duy trì tăng trưởng GDP tích cực qua các năm…

Với xu hướng này, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục triển vọng và chảy vào Việt Nam trong thời gian tới. Điểm sáng tiếp theo là các lĩnh vực thu hút FDI cũng có sự dịch chuyển sang những lĩnh vực công nghệ, gần nhất là lĩnh vực chip bán dẫn, công nghệ cao, cho thấy chiều sâu các mối hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Dòng vốn từ các thị trường truyền thống cũng có sự cải thiện như khu vực châu Âu không ngừng mở rộng đầu tư. Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng của khu vực ASEAN trong thu hút FDI, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Phải khẳng định đây là kết quả của quá trình xây dựng nền tảng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu hướng dòng tiền dịch chuyển.

Trong chính sách, Việt Nam cũng đã ban hành một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, chú trọng tới chất lượng dự án, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa…, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy một trong 3 trụ cột là khu vực FDI, bên cạnh kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước. Sau đại dịch COVID-19, khu vực kinh tế tư nhân có phần chậm lại nhưng khu vực FDI vẫn tăng trưởng tích cực.

Lúc này, cần "xây tổ" thế nào để đón thêm "đại bàng" là những tập đoàn đa quốc gia, những nhà đầu tư chiến lược? Cần chính sách và môi trường cụ thể, cam kết cụ thể để xây dựng lòng tin của những tập đoàn mà Việt Nam nhắm đến.

Cùng với dòng vốn FDI đổ về, cần chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn nước ngoài. Bởi nếu doanh nghiệp nội địa không tham gia sâu cùng với doanh nghiệp FDI thì dù Việt Nam là cứ điểm, công xưởng sản xuất của thế giới thì giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế vẫn chưa lan tỏa như kỳ vọng. Có thể nghiên cứu và triển khai chính sách, chiến lược nhắm vào một phần hoặc công đoạn nào đó trong chuỗi giá trị rồi hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có năng lực vươn lên…

Theo TS Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP HCM)/NLĐO

Có thể bạn quan tâm