Đô thị

Không gian sống

Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai tầm nhìn đến năm 2050

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 22/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới hành chính TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đak Nông, Lâm Đồng (không kể phần diện tích thuộc tỉnh Long An được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long) và phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng nhận chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai (sau đây gọi chung là vùng quy hoạch) và được phân chia thành 6 tiểu vùng quy hoạch, gồm: thượng lưu sông Đồng Nai; hạ lưu sông Đồng Nai; sông Sài Gòn-thượng Vàm Cỏ; sông Bé; sông La Ngà và phụ cận ven biển.

Một góc đô thị Biên Hòa bên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường/kinhtedothi

Một góc đô thị Biên Hòa bên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường/kinhtedothi

Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng-chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 70% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý, bảo vệ.

Hoàn thành việc lập và công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng-chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào nguồn nước. 40% đến 45% lượng nước thải tại các đô thị từ loại II trở lên và 25% đến 30% lượng nước thải tại các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào nguồn nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.

Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh.

Phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông, kênh, rạch bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng; phòng-chống sạt, lở bờ sông, kênh, rạch có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông.

Cạnh đó, bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao giá trị sử dụng nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới...

Có thể bạn quan tâm