(GLO)- Có nhiều ngôi chợ dù được quy hoạch, xây dựng bài bản, quy mô nhưng vẫn thưa thớt người mua kẻ bán. Ở chiều ngược lại, có những chợ tự phát, do người dân tụ lại mà thành lại luôn tấp nập cảnh bán mua. Chợ Bà Định (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là một chợ tự phát như thế. Xung quanh sự hình thành của ngôi chợ được dân đặt tên này có nhiều chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết.
Nguồn gốc tên gọi “chợ Bà Định”
Tôi hỏi bà Lê Thị Nữ (thường gọi là Sáu Nữ)-chủ sạp buôn bán cá tôm phía trước căn nhà số 31 Tô Hiến Thành (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) rằng: “Bà có thấy tự hào không khi tên thường gọi của mình được dùng để đặt cho khu chợ này?”. Bà Sáu Nữ không trả lời mà bật cười. Thế nhưng, trong đôi mắt mờ đục của người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi này, tôi vẫn thấy ánh lên niềm vui sướng...
Bà Sáu Nữ quê gốc ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Những năm giặc giã, bà theo cha mẹ rời quê lên Pleiku lập nghiệp. Lớn lên, bà kết hôn với ông Đỗ Văn Hiền. Khi sinh người con trai đầu, ông bà đặt tên là Định. Theo cách gọi truyền đời từ xa xưa, người ta thường lấy tên của người con cả để gọi cha mẹ, tránh gọi tên tục. Bởi vậy, ông Hiền-bà Nữ được mọi người gọi thành “ông Định”, “bà Định”.
Gần 30 năm nay, bà Lê Thị Nữ vẫn bán tôm cá ở chợ Bà Định. Ảnh: L.H |
“Vợ chồng tôi có tới 10 đứa con. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, vợ chồng tôi chỉ có trong tay mảnh rẫy nhỏ, lo cho ngần ấy con cái ăn học không thể đủ. Thiếu đói ắt tìm kế mưu sinh. Thấy mấy chị em người làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ) thường đưa rau, gà, tôm cá… lên ngã năm gần nhà bán khá đắt hàng, tôi bèn nảy ra ý định mở cái sạp nhỏ bán thịt, cá ngay cạnh đó. Khi ấy, sạp hàng của tôi lớn nhất khu này. Cũng may mắn được trời thương nên tôi buôn mau bán đắt. Từ tên gọi chỉ sạp hàng của tôi, lâu dần mọi người gọi mãi thành quen, cái tên “chợ Bà Định” cứ tự nhiên thế mà thành”-bà Sáu Nữ vui vẻ kể lại.
Ngày càng sầm uất
Chợ Bà Định được khai sinh từ những người nông dân vượt “lũy tre làng” đưa nông sản vườn nhà bán cho người dân phố thị. Bởi toàn người buôn bán “tay ngang” nên chợ cũng được họp theo giờ giấc lạ kỳ. “Hồi mới mở, chợ chỉ họp từ sáng sớm đến trưa, vì buổi chiều tụi tui còn lên vườn rẫy”-bà Sáu Nữ cho biết.
Từ dăm bảy người bán ban đầu, rồi tăng lên 15-20 người buôn bán ngay góc ngã năm Nguyễn Trãi-Tô Hiến Thành-Hồ Xuân Hương, đến nay, chợ Bà Định ngày càng mở rộng ra hơn 200 hộ sinh sống dọc 3 tuyến đường này. Gần 30 năm tồn tại, từ khu chợ tạm ngoại ô, chợ Bà Định dần bị “nuốt chửng” bởi quá trình đô thị hóa, nằm lọt thỏm giữa trung tâm Pleiku sầm uất. Việc buôn bán nhờ thế có phần hưng thịnh hơn. Nhưng giờ giấc họp chợ thì vẫn như ngày đầu. Bà Sáu Nữ nói: “Dù đã thành một khu chợ họp khá đông đúc nhưng nếp buôn bán vẫn không hề thay đổi. Cứ đến trưa, các cửa sạp đều dọn hàng nghỉ bán, ngoại trừ mấy tiệm quần áo, giày dép thì mở suốt ngày”.
Một góc chợ Bà Định (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T |
Buôn bán tại chợ Bà Định từ ngày còn tấm bé, chị Rơ Châm H'Lệ (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vẫn nhớ như in khung cảnh ngôi chợ thời đó khi nó còn được bao quanh bởi những con đường mờ bụi đất. “Hồi đó, mỗi sáng sớm, mình theo mẹ gùi hàng, chủ yếu là rau, thỉnh thoảng có trứng gà, mớ tôm, con cá… lên phố bán. Vì hàng hóa ít, lại chẳng đáng bao nhiêu tiền nên mẹ con mình không vào chợ lớn (Trung tâm Thương mại Pleiku-N.V) để bán mà chỉ dạo quanh mấy khu phố rao bán. Sau này phát hiện chợ Bà Định buôn bán nhộn nhịp, chẳng mất phí, mẹ con mình đưa hàng về đây. Bây giờ, mình đã là mẹ của 3 đứa con. Thi thoảng, đứa con gái lớn cũng theo mẹ ra chợ mỗi ngày cuối tuần”-chị H'Lệ tâm sự.
Cũng theo chị H'Lệ, trước đây, người buôn bán ở chợ Bà Định không có thói quen “nói thách”. Hàng bán bao nhiêu ra giá bấy nhiêu, người bán, người mua không mất công kỳ kèo trả giá. Cũng bởi, rau củ nhà quê có tấm có món và giá chung rồi, chẳng ai buồn “nói thách” cho mất thời gian. Dạo gần đây, người đổ về buôn bán đông, thành thử “luật” buôn bán cũng khác. “Mình bán rau củ nhà trồng, khi thì ít quả trứng, con gà, ít cá chồng đi bắt được nên giá luôn rẻ hơn người ta phải mua gom về bán lại. Mỗi ngày chạy chợ cũng kiếm được một đôi trăm ngàn. So với làm rẫy, buôn bán ngoài chợ thu nhập cao hơn”-chị H'Lệ nói thêm.
Để tồn tại và ngày càng phát triển quy mô như hiện nay, dĩ nhiên chợ Bà Định phải có những điều đặc biệt để “hút” khách. Bà Nguyễn Thị Mai (tổ 2, phường Yên Đổ) cho biết: “Cả chục năm nay, tôi đều mua hàng tại chợ Bà Định. Mua bán dễ chịu, thức ăn tươi ngon, hàng gì cũng có nên cứ sáng sáng, sau khi tập thể dục trở về, tôi lại ghé chợ mua đồ ăn cho cả gia đình. Thành nếp nên nói thật, lâu lắm rồi tôi chưa đặt chân ra chợ lớn mua sắm”. Tương tự, bà Nguyễn Thúy Liên (trú cùng tổ) chia sẻ: “Khu chợ tuy nhỏ nhưng cá tôm, thịt, rau củ, trái cây… món gì cũng có. Đồ tươi, giá lại rẻ nên tôi thích mua ở đây hơn các nơi khác”.
Người mua ngày một đông nên nhiều hộ sinh sống dọc 2 bên các tuyến đường: Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Hồ Xuân Hương cũng nhân cơ hội này mở cửa hàng buôn bán. Chợ Bà Định từ đó ngày một mở rộng, hình thành các khu đặc trưng như: khu buôn bán hải sản, gia cầm, trái cây dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương; khu thức uống giải khát, ăn vặt dọc đường Tô Hiến Thành; khu buôn bán quần áo, đồ gia dụng, giày dép dọc đường Nguyễn Trãi. Đặc biệt, khu ngã năm Nguyễn Trãi-Hồ Xuân Hương-Tô Hiến Thành thì tập hợp đủ các mặt hàng rau củ, hoa trái, thịt cá… Riêng gia đình bà Sáu Nữ, cả mẹ con đều buôn bán ở chợ này. Ngoài sạp cá tôm của bà thì 2 cô con gái cũng nối nghiệp của mẹ, một cô mở sạp buôn bán thịt heo, một cô mở tiệm tạp hóa lớn ngay góc ngã tư Nguyễn Trãi-Tô Hiến Thành. Chưa kể, con dâu, cháu của bà Sáu Nữ cũng làm chủ một vài điểm bán buôn khác.
Xử lý các vấn đề phát sinh
Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của chợ Bà Định, ông Ngô Tấn Công-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Đổ-cho biết: Đây là khu chợ tự phát đã tồn tại từ lâu. Bởi là chợ tự phát, không hình thành theo quy hoạch và được đầu tư bài bản, có hệ thống nên phát sinh không ít vấn đề phức tạp liên quan. “Năm 2017, phường đã xây dựng phương án di dời khu chợ về vị trí sân bóng làng Pleiku Roh. Tuy nhiên, khi họp dân lấy ý kiến thì bà con làng Pleiku Roh không đồng thuận vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sống. Vì vậy, chủ trương trên đành phải gác lại”-ông Công thông tin.
Bởi là chợ tự phát, không hình thành theo quy hoạch và được đầu tư bài bản, có hệ thống nên phát sinh không ít vấn đề phức tạp liên quan. Ảnh: Đinh Yến |
Nhiều năm qua, UBND phường Yên Đổ phải bố trí một tổ tự quản thường xuyên túc trực ở khu vực chợ Bà Định để nhắc nhở, xử lý các trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định gây cản trở lưu thông của phương tiện khác… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để gốc rễ khu chợ tự phát. “Bà con kinh doanh, buôn bán mưu sinh là nhu cầu chính đáng, chính quyền địa phương không thể ngăn cấm. Hiện địa phương cũng chưa thể tìm ra quỹ đất phù hợp để quy hoạch di dời chợ. Đây là chợ tự phát nên Nhà nước không thể thu thuế nhưng lại phải bố trí lực lượng hàng ngày túc trực, chưa kể tiềm ẩn những rủi ro khác như: mất an toàn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường…”-ông Công phân tích.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cũng thẳng thắn thừa nhận, để tồn tại chợ tự phát như chợ Bà Định suốt hàng chục năm có phần lỗi từ phía cơ quan, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không thể trong ngày một ngày hai bởi liên quan đến sinh kế của hàng trăm hộ dân. “Trước mắt, UBND TP. Pleiku yêu cầu UBND phường Yên Đổ, các đơn vị, lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để người dân kinh doanh, buôn bán tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về đảm bảo hành lang an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng-chống cháy nổ… nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn không đáng có. Xa hơn, chính quyền thành phố sẽ tìm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân và lợi ích chung của cộng đồng”-ông Quế nhấn mạnh.
Về phía tiểu thương chợ Bà Định, hầu hết đều mong muốn có sự quy hoạch cụ thể để bà con buôn bán được thuận lợi. “Buôn bán ở đây rất thuận lợi nên chúng tôi mong chính quyền địa phương xem xét, lên phương án phù hợp để bà con có thể kinh doanh, buôn bán hợp pháp, chính đáng, thuận lợi cho cả người bán, người mua cũng như công tác quản lý của địa phương”-bà Sáu Nữ chia sẻ.
LÊ HÒA