Chớ đi lầm đường lạc lối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian gần đây, chỉ vì tin theo lời xúi giục của kẻ xấu, một số người dân tộc thiểu số đã bán hết nhà cửa, ruộng rẫy, vay mượn tiền bạc, vượt biên sang Thái Lan để có “cuộc sống sung sướng mà không phải lao động”. Vậy thực chất vấn đề trên ra sao?

Nghe tin Glỡ, con rể ông Eng-bà Hrui (ở làng Jar, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) vượt biên sang Thái Lan bị lừa mất hết tiền bạc và bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ, sáng 5-7-2013, hàng chục người dân trong làng đã đến nhà ông bà để thăm hỏi, tìm hiểu thực hư sự việc.

Theo lời kể của bà Hrui, năm 2000, Glỡ lấy con gái ông bà là chị Phon, cùng nhau đến làng Jar làm ăn sinh sống và hiện tại đã có hai người con trai. Ngày 22-4-2013, sau khi bán hết 2 sào ruộng và 300 cây cà phê được hơn 100 triệu đồng, Glỡ nói với cha mẹ vợ đưa gia đình về ở với mẹ ruột ở làng Kte Lớn, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện vì cha Glỡ mới mất.

 

Bà Hrui buồn bã kể chuyện gia đình Glỡ vượt biên. Ảnh: Q.T
Bà Hrui buồn bã kể chuyện gia đình Glỡ vượt biên. Ảnh: Q.T

Không ngờ đầu tháng 5-2013, Phon gọi về 2 lần và cho biết cả nhà cô đang ở Thái Lan, tiền bạc đã bị bọn xấu lừa lấy hết, không có cơm ăn, còn Glỡ bị Công an Thái Lan bắt vì nhập cư trái phép. Phon xin vợ chồng bà gửi 10 triệu đồng sang để cô lo cho chồng.

Bà Hrui buồn rầu chia sẻ: “Thấy nó gọi về, tôi rất ngạc nhiên và lo lắng cho con. Vợ chồng tôi già rồi, hoàn cảnh khó khăn, không có tiền gửi cho chúng. Bây giờ tôi chỉ mong gia đình nó an toàn trở về. Bà con trong làng đừng nghe lời kẻ xấu xúi giục để bị lừa như con tôi, ở nước ngoài không sung sướng gì đâu”. Ông Mích ở cùng làng cũng cho biết thêm: “Vợ chồng Glỡ trốn đi không ai biết. Nghe bà Hrui kể chúng tôi rất bất ngờ và tiếc cho nó”.

Tài sản duy nhất mà vợ chồng Glỡ còn để lại là ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 134 vào năm 2005. Thấy nhà để trống, ông Eng bảo em trai Phon dọn đến ở. Mỗi lần nhớ con, nhớ cháu, ông bà lại đến lấy ảnh cũ của gia đình Phon ra xem. Nếu không theo cha mẹ, thằng Phôi năm nay đã lên lớp 8, thằng Cun học lớp 3… Càng thương con cháu, ông bà càng giận con chỉ vì nhẹ dạ mà bị kẻ xấu lừa. Con đường trở về của vợ chồng thằng Glỡ sao quá xa xôi…

Cách đây hơn 1 năm, ngày 9-6-2012, Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Chư Sê nhận bàn giao 7 đối tượng cùng trú ở làng Pa Pết 2, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê vượt biên sang Thái Lan gồm Rah Lan Klơ, Rơmah Luông, Rơmah Bem, Kpuih Son, Rah Lan Chiu, Rah Lan Yêl và Rah Lan Mrễ. Ngày 6-7-2013, chúng tôi tìm đến làng Pa Pết 2 để gặp Rah Lan Klơ (SN 1981). Klơ là người đầu tiên trong 7 đối tượng này trốn sang Thái Lan.

Sau khi được trở về với gia đình, anh đã chăm chỉ lao động, ổn định cuộc sống với 1 ha cà phê và hơn 100 trụ tiêu trồng xung quanh nhà. Đến bây giờ, Klơ vẫn còn nhớ như in những ngày sống chui lủi bên xứ người chỉ vì nghe theo lời xúi giục của Rơmah Bun (làng Be Tel, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, hiện sinh sống ở Thái Lan). Rah Lan Klơ cho biết: “Lúc trước, tôi bị kẻ xấu xúi giục đi sang Thái Lan để xin tị nạn. Họ nói qua đó sẽ được đi Mỹ. Thực tế thì khi qua đó, họ cho tôi đi quét rác, rất mệt và khổ cực, lại sợ Cảnh sát Thái Lan bắt. Cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện cho tôi trở về Việt Nam, được đoàn tụ gia đình”.

Cũng ở làng Pa Pết 2, chúng tôi gặp Rah Lan Mrễ khi anh đang chăm sóc vườn tiêu của mình. Cũng như Klơ, Mrễ bị lừa trốn sang Thái Lan rồi mất hết tiền bán tiêu, bán cà phê. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Rơmah Blế (ở cùng làng với Klơ, Mrễ) chính là kẻ móc nối với Rơmah Bun rỉ tai, lôi kéo 7 đối tượng này trốn sang Thái Lan. Chính vì nghe theo luận điệu dối trá “hàng tháng được cấp đô la, sống sung sướng mà không cần làm gì cả”, họ đã bán tài sản, bỏ gia đình vượt biên.

Nhưng khác với những gì họ tưởng tượng, nơi mà họ đến là những phòng trọ nhỏ xíu, chật chội. Sau khoảng 1 tuần ăn dầm nằm dề, bữa no bữa đói ở phòng trọ, họ đều bị buộc phải ra đường quét rác để kiếm tiền. Làm quần quật từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà tiền công không đủ trả tiền thuê trọ, mua gạo nấu cơm. Mrễ nhớ lại: “Sang đó quét rác khổ quá, chúng tôi gom góp tiền để trốn về Việt Nam”.

Mặc dù “trại tạm cư” trên đất Campuchia do UNHCR đã chính thức đóng cửa từ tháng 7-2011 nhưng các đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ vẫn tiếp tục tuyên truyền kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân tộc thiểu số vượt biên sang Campuchia, Thái Lan với những luận điệu lừa phỉnh như: “Trại tị nạn Campuchia sắp được tái lập”, “Ksor Kơk sẽ đưa người về Campuchia lập căn cứ hoạt động, muốn được phỏng vấn để được đi nước thứ 3 phải tham gia vào hoạt động FULRO”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, bọn phản động đã lừa phỉnh hàng chục người bỏ gia đình, ruộng nương vượt biên sang Thái Lan. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Thiếu tá Tô Ngọc Tần-Phó Trưởng phòng An ninh Dân tộc, Công an tỉnh cho biết: “Có hai lý do cơ bản, thứ nhất là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân tộc thiểu số, các đối tượng phản động ở Mỹ, Campuchia lừa phỉnh, lôi kéo họ trốn sang Campuchia hoặc sang trại tị nạn ở Thái Lan (giáp Campuchia) để được phỏng vấn sang các nước phát triển “sống cuộc sống sung túc hơn mà không phải lao động nặng nhọc”.

Thứ hai, một số đối tượng bị trao trả về Việt Nam do lười lao động sản xuất và một số nguyên nhân khác sau một thời gian lại tập hợp nhiều người khác trốn sang Campuchia, Thái Lan nhằm thu lợi bất chính. Hiện tại tình trạng vượt biên chỉ dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ. Chúng tôi đang điều tra, củng cố căn cứ để đưa các đối tượng lừa đảo ra xét xử, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp khác để chống trốn, chống vượt biên ồ ạt sang Campuchia, Thái Lan”.

Những người may mắn được trở về quê hương như Klơ, Mrễ giờ đây đã hiểu rõ âm mưu đen tối của bọn phản động FULrO, họ thấm thía rằng chỉ có lao động mới đem lại cho người ta cái ăn, cái mặc. Họ đã biết nâng niu, quý trọng cuộc sống yên bình cùng với gia đình trên chính quê hương mình. Đây cũng là bài học cho những người đang có ý định vượt biên, kiếm tìm “miền đất hứa” để rồi lầm đường, lạc lối…

Quốc Thành-Thúy Trinh

Có thể bạn quan tâm