Phóng sự - Ký sự

Cho mỗi sớm mai yên bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa cái nắng chói chang, các chiến sĩ cảnh sát cơ động vẫn luôn hăng say rèn luyện để trở thành những người "mình đồng, da sắt", sẵn sàng xuất kích tới những "điểm nóng" khi có mệnh lệnh.
Bài tập đu dây qua các tòa nhà của các nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: NAM VY

Bài tập đu dây qua các tòa nhà của các nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: NAM VY

"Ðể chiến trường bớt đổ máu, thao trường phải đổ mồ hôi"

Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đóng quân giữa khu cát bỏng của huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Chung quanh là những lùm phi lao thấp kiên cường trổ xanh. Giữa thao trường, các chiến sĩ chia thành tổ, đội tập luyện hăng say, lăn lê bò toài, mồ hôi nhễ nhại, nhưng những bắp chân, bắp tay vẫn cuồn cuộn săn chắc, linh hoạt. Bên kia là các chiến sĩ tập kỹ năng bắn súng trong điều kiện phải mang vác súng đạn, lá chắn, áo giáp. Bên kia nữa là tổ chiến sĩ tập bài đu trên dây cáp, di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Trực tiếp chứng kiến các chiến sĩ tập luyện, biểu diễn võ thuật, mới hiểu hết "đời lính cơ động". Để trở nên dẻo dai, tinh nhuệ, có kỹ thuật chiến đấu tốt phải trải qua thời gian khổ luyện trên thao trường. Đại tá Đỗ Ngọc Anh, Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động Trung Bộ, chia sẻ: "Dù điều kiện khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ phải duy trì luyện tập hằng ngày. Vừa rèn bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng thực hành quân sự, võ thuật, sẵn sàng cơ động chiến đấu góp phần bảo vệ an ninh, trật tự".

Trong huấn luyện, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ chia thành nhiều tổ, như: Tổ bắn khi đu dây, Tổ bắn tỉa, Tổ rà phá bom mìn, Tổ chiến đấu trên địa hình phức tạp, Tổ kỹ năng bơi, nhằm tăng cường kỹ năng cho chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ… Trong đó, Tổ bắn tỉa là lực lượng đặc biệt quan trọng, thiện xạ. Khi tác chiến lực lượng này được bố trí ở nóc nhà, cửa sổ các ngôi nhà quanh khu vực tác chiến. Họ được trang bị súng chuyên dùng có kính ngắm quang học với độ chính xác cao, quan sát theo dõi mục tiêu ở một vị trí cố định để tiêu diệt mục tiêu di động hoặc cố định. Để trở thành một xạ thủ bắn tỉa giỏi, kỹ năng bắt buộc với chiến sĩ là phải kiểm soát nhịp thở và bóp cò đúng thời điểm. Vì vậy, bên cạnh các bài tập cơ bản, đội bắn tỉa thường phải luyện tập những bài mang tính đặc thù chuyên sâu như vừa chống đẩy, vừa nín thở trong chậu nước. Những đợt cao điểm, các chiến sĩ huấn luyện bắn súng cả ban đêm để thực nghiệm sát với thực tế trong các tình huống khó.

Chung nhiệm vụ, những chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đóng quân tại Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng phải tập luyện những màn "đu dây tử thần". Từ nóc một tòa nhà cao các chiến sĩ đặc nhiệm sử dụng súng chuyên dụng để bắn móc dây sang nóc tòa nhà bên cạnh. Người tập di chuyển trên sợi dây nối từ nhà này sang nhà khác, vượt quãng đường dài 40-50 m. Chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Như - "bông hồng thép" của Tiểu đoàn chia sẻ: "Khi huấn luyện đu dây, chúng tôi phải chính xác từng động tác vì bài tập này không có dây bảo hiểm mà chỉ có đai liên kết. Phải dựa vào bản lĩnh, ý chí và lòng yêu nghề, chiến sĩ mới vượt qua được những bài huấn luyện nguy hiểm, gay cấn". Ngọc Như cho biết thêm, ban đầu những đồng đội nữ của cô có chút ngại ngần khi tập luyện những tình huống phức tạp. Nhưng vì yêu nghề nên tất cả đã cố gắng, với tinh thần "Để chiến trường bớt đổ máu, thao trường phải đổ mồ hôi".

Là người nghiêm khắc, nhiều kinh nghiệm trong rèn quân, Trung tá Trần Bảo Chiến, Tiểu đoàn trưởng Cảnh sát đặc nhiệm số 3, cũng luôn biết cách động viên tinh thần chiến sĩ. Anh Chiến cho biết: "Trong luyện tập, có thể có những chấn thương. Nhưng như vậy mới giúp chiến sĩ phản xạ nhanh, chính xác và bản lĩnh chiến đấu, chống không tặc; chống khủng bố, giải thoát con tin trên các loại địa bàn, địa hình,… Bởi thế đơn vị cũng khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tham gia các cuộc thi võ thuật trong lực lượng, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, cổ vũ tinh thần anh em".

Chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 tập luyện võ thuật. Ảnh: VĂN HỌC
Chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 tập luyện võ thuật. Ảnh: VĂN HỌC

Xứng đáng là "lá chắn thép"

Những năm qua, các đơn vị, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, gìn giữ trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc; trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự; tổ chức bảo vệ các mục tiêu, các chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng,… Điều đáng nói, trong nhiều cuộc bạo loạn, biểu tình trái pháp luật, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã lên đường, xứng đáng là những "lá chắn thép" bảo vệ bình yên cuộc sống. Rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ có uy tín, thể hiện niềm ngưỡng mộ, nể phục các chiến sĩ luôn dày công luyện tập, sẵn sàng xông vào nơi nước sôi lửa bỏng để bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Nhà văn Nguyễn Hiệp (Hội Nhà văn Việt Nam), chia sẻ: "Qua các câu chuyện, tôi được biết nhiều chiến sĩ cảnh sát cơ động đã hy sinh. Nhiều trong số đó là tấm gương anh hùng, bởi họ biết nguy hiểm, biết có thể sẽ phải hy sinh nhưng vẫn dấn thân vào vòng nguy hiểm, cho mỗi sớm mai yên bình".

Còn nhớ, tháng 6/2019 trên địa bàn xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, xảy ra vụ việc một số đối tượng tự ý giăng dây, cắm cọc, chia lô, lấn chiếm trái phép đất của Nông trường Cao-su Ia Chim. Mặc dù được các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhưng dưới sự xúi giục của những tên cầm đầu, các nhóm đối tượng vẫn chống đối quyết liệt. Công an tỉnh Kon Tum đã tăng cường lực lượng xuống địa bàn, giải quyết nhưng sau gần hai năm vẫn không ổn định được tình hình. Các đối tượng cầm đầu, quá khích ngoan cố xúi giục những người ít hiểu biết về pháp luật chống phá gay gắt. Chúng còn ngang nhiên chống lại người thi hành công vụ, đập phá, hủy hoại tài sản của Nhà nước và bắt giữ người trái pháp luật. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã điều động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ vào cuộc.

Ngày 6/7/2019 các lực lượng đồng loạt tấn công khống chế, bắt giữ các đối tượng manh động, quá khích. Kết quả, đã bắt 12 đối tượng, 34 đối tượng manh động, quá khích, mời lên làm việc nhắc nhở, răn đe 12 đối tượng; thu giữ nhiều vũ khí tự chế và nhiều dao, kiếm, ná cao-su,... Đặc biệt đã thu lại 209,8 ha đất, trả lại cho nông trường tiếp tục canh tác.

Dày công luyện rèn để trở thành xạ thủ giỏi. Ảnh: VĂN HỌC

Dày công luyện rèn để trở thành xạ thủ giỏi. Ảnh: VĂN HỌC

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào ngày 11/6/2023. Nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Hậu quả làm 11 người thương vong, trong đó có chín người chết gồm: bốn chiến sĩ công an xã, hai cán bộ xã, ba người dân; hai chiến sĩ công an xã bị thương.

Bộ Tư lệnh xác định đây là hoạt động khủng bố vũ trang đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng tham gia đông, hành động dã man, có sự chuẩn bị, có tổ chức và có thể được chỉ đạo từ bên ngoài. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã nhanh chóng liên hệ với Bộ Giao thông vận tải huy động chuyên cơ chở 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3, trong đó có 20 đồng chí bắn tỉa để tham gia thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh cũng chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn khu vực miền trung-Tây Nguyên ứng trực sẵn sàng chiến đấu 100% quân số; điều động cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung Bộ và Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an tỉnh Đắk Lắk… Các lực lượng đã truy bắt thành công 115 đối tượng trực tiếp và liên quan, thu giữ nhiều tang vật như ô-tô, xe mô-tô, súng, đạn, lựu đạn, dao... Nhớ lại những ngày chỉ huy truy bắt khủng bố, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động chia sẻ: "Hôm chỉ đạo anh em vào trận chiến, đứng trước anh em, tôi nói, mình cần những người khỏe nhất, tinh thần ổn định nhất để tham gia vây bắt bọn khủng bố nguy hiểm. Có thể có anh em sẽ không trở về! Ai sẽ tham gia? Tất cả các cánh tay đều giơ lên!".

Sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, người chiến sĩ cảnh sát cơ động còn có những hy sinh lặng thầm, đó là những khoảng trống thiếu hụt dành cho gia đình. Mỗi đêm giao thừa đều trở thành đêm trắng của lực lượng cảnh sát cơ động. Bận rộn, nguy hiểm và vất vả nhưng trong ánh mắt cán bộ, chiến sĩ không nhìn thấy sự mệt mỏi mà thay vào đó là niềm vui được làm việc và cống hiến.

Có thể bạn quan tâm