Cho trẻ sử dụng các phương tiện điện tử sớm: Nên hay không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu năm 2015, Quốc hội Đài Loan thông qua luật cấm trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng iPad và các thiết bị điện tử khác như ti vi hay điện thoại thông minh. Mặc dù vẫn còn khá nhiều tranh cãi xung quanh đạo luật này, song, không thể không thừa nhận đây là hồi chuông cảnh tỉnh mà Đài Loan đang gióng lên cho các bậc phụ huynh về tác hại khôn lường của các thiết bị điện tử thông minh tới sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Lợi trước mắt

Đời sống của người dân, đặc biệt là dân thành thị ngày càng nâng cao, cùng với sự phát triển như vũ bão của các thiết bị công nghệ số hiện đại đã khiến các bậc phụ huynh không ngại ngần chi mạnh tay mua iPad hay các thiết bị điện tử thông minh khác cho con em của mình. Chỉ cần từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, mọi người đã có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm thông minh có đầy đủ các chức năng. Với kết nối mạng internet có ở khắp mọi nơi, các bậc phụ huynh chỉ cần đưa cho con một chiếc thiết bị công nghệ thông minh là đã yên tâm bởi chúng có thể ngồi yên trong một thời gian dài. Đưa con cùng đi ăn sáng, uống cà phê..., nhiều phụ huynh không quên đem theo một chiếc máy tính bảng để con... tắm và cho mèo ăn (ứng dụng My talking Tom-một ứng dụng hầu như trẻ em nào cũng mê mẩn) hay thay áo quần cho búp bê.

 

Các thiết bị công nghệ thông minh luôn có sức hấp dẫn đối với trẻ em. Ảnh: Nguyên Võ
Các thiết bị công nghệ thông minh luôn có sức hấp dẫn đối với trẻ em. Ảnh: Nguyên Võ

Chị Hằng (đường Ngô Gia Khảm, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Cho trẻ em tiếp cận các thiết bị công nghệ hiện đại như iPad, smartphone giúp cho chúng trở nên nhanh nhạy hơn, học hỏi cái mới dễ dàng hơn. Ngoài ra, với các thiết bị đó, chúng có thể cập nhật thông tin, kiến thức dễ dàng hơn, giúp ích trong việc học tập”. Còn với  anh Nguyễn Xuân Hưng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), khi con gái còn nhỏ, anh vẫn thường cho bé sử dụng iPad. “Tôi cho cháu dùng iPad để có thể sắp xếp được nhiều công việc hơn, ví dụ như dụ dỗ cho cháu ăn bởi dường như trẻ nhỏ nào cũng thích những hình ảnh động trên màn hình; iPad giúp cháu tập trung, có thể ngồi yên một chỗ cho mình làm việc khác. Việc tiếp xúc với công nghệ cũng giúp cháu nhanh nhạy hơn, phát triển tư duy tốt hơn”- anh Hưng tâm sự.

Ảnh hưởng xấu về sau

Bên cạnh những lợi ích nhỏ mà các thiết bị công nghệ thông minh mang lại cho trẻ thì tác hại mà chúng gây ra cho sự phát triển của con trẻ là điều mà không phải phụ huynh nào cũng nhận thấy.

 

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử khiến cho trẻ em có nguy cơ gia tăng các khuyết tật về mắt, đặc biệt là cận thị. Không chỉ vậy, nếu để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, không kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của não như rối loạn khả năng chú ý, nhận thức, giao tiếp, gia tăng sự bốc đồng và suy giảm khả năng tự điều chỉnh. Lười vận động do mải chơi với công nghệ cũng làm cho quá trình phát triển của trẻ chậm đi, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đọc viết và các khả năng học tập khác. Ngoài ra những trẻ lạm dụng các thiết bị công nghệ điện tử cũng sẽ gặp phải những mối nguy hại khác như: bệnh béo phì, mất ngủ, trầm cảm, thiếu tập trung... Những tác hại nói trên ảnh hưởng rất lâu dài và nghiêm trọng đến sự phát triển, hình thành nhân cách sau này của trẻ.

Bình thường, con gái đầu của chị Th. (đường Đống Đa, TP. Pleiku) đã rất thích thú với những chiếc điện thoại thông minh. Dịp Tết vừa rồi, vợ chồng chị Th. quyết định mua cho bé một chiếc iPad. Kể từ lúc mua xong, không lúc nào bé rời máy, kể cả lúc ăn. Khi đó, chị Th. lúc thì nịnh, lúc thì quát nạt mới có thể bón từng thìa cơm mặc dù bé đã học đến lớp 3. Chị Th. bày tỏ: “Cháu mê chơi lắm. Bình thường ở nhà có máy tính là mở lên xem hoạt hình rồi chơi trò chơi suốt. Bây giờ có thêm iPad là ôm máy suốt ngày. Vì vậy tôi thấy hơi lo”. Tương tự, chị Bùi Thị Minh Hải (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) cho hay, chị cho hai con của mình dùng iPad từ khi được 5 tuổi. “Ban đầu cho cháu sử dụng thấy cháu rất thích, ngoan, chịu làm theo lời mẹ, trên mạng cũng có nhiều trò chơi phù hợp với con nên mình cho chơi. Dần dần con càng ngày càng mê, lúc nào cũng đòi chơi iPad, mắt cũng bị cận nên giờ mình đã hạn chế bớt. Chỉ khi nào học bài xong mới được chơi trong thời gian quy định”- chị Hải tâm sự.

Cũng ý thức được việc không nên để trẻ lạm dụng các thiết bị công nghệ, anh Nguyễn Xuân Hưng cũng chủ động không cho con dùng iPad nữa kể từ khi cháu bắt đầu đi học. Anh Hưng chia sẻ: “Theo tôi thì không nên để trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá sớm. Mình không thể lúc nào cũng ngồi sát bên con để quản lý cháu xem gì trên màn hình, vì vậy không thể kiểm soát được những thông tin, trang web có nội dung không lành mạnh mà cháu có thể vô tình tiếp cận. Bên cạnh đó, chơi iPad quá nhiều sẽ khiến cháu bị cận, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cho nên, bây giờ ở nhà tôi rất hạn chế cho cháu chơi iPad, mỗi ngày chỉ cho chơi 1-2 tiếng để giải trí”.

Trước sự phát triển ồ ạt của thiết bị công nghệ, các bậc phụ huynh nên có những lựa chọn sáng suốt sao cho các thiết bị thông minh trở nên thực sự có ích đối với quá trình học hỏi, phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho con tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, các lớp kỹ năng để trẻ được trang bị những kiến thức xã hội, tăng khả năng giao tiếp, học hỏi.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm