Chông chênh người Kênh Chông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 3 năm triển khai dự án tái định canh định cư, hơn 400 người dân ở làng Kênh Chông (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) vẫn sống chông chênh bên sườn đồi sỏi đá. Họ đang thiếu đất sản xuất, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt…
Giữa năm 2008, UBND tỉnh phê duyệt dự án tái định cư, di dời gần 100 hộ với hơn 400 khẩu người dân tộc Jrai từ làng Kênh Chông (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đến định cư tại thôn 5, xã Ia Le (huyện Chư Pưh). Dự án có tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, các hạng mục công trình để người dân ổn định cuộc sống đã cơ bản hoàn tất, tuy nhiên cuộc sống của dân làng Kênh Chông vẫn chông chênh bên sườn đồi sỏi đá.
Dân làng phải đào hố ven suối để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Linh
Dân làng phải đào hố ven suối để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Linh
Ông Ama Krôn được gọi là Trưởng thôn nhưng chưa có quyết định chính thức, cho chúng tôi biết: Chính quyền địa phương hứa là sẽ có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội nên bà con hoàn toàn nhất trí. Biên bản họp dân có đầy đủ thành phần, đã ghi rõ điều này, nhưng đã 3 năm rồi mà bà con chưa thể ổn định được vì thiếu thốn những điều kiện thiết yếu. Nói là hỗ trợ lương thực 6 tháng đầu nhưng mỗi hộ chỉ nhận được 2 bao gạo. Chính quyền hứa hỗ trợ kinh phí để bà con tổ chức ăn mừng làng mới theo phong tục tập quán của người Jrai nhưng cũng chẳng thấy đâu.
Quan sát, chúng tôi nhận thấy hệ thống giao thông ở đây chỉ là đường đất nên sau hai mùa mưa đã bị xói mòn thành những hào sâu, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Có hệ thống nước sinh hoạt nhưng không dùng để nấu ăn được vì bị nhiễm phèn quá nặng. Mùa khô, bà con phải đi gùi nước suối về sinh hoạt. Dù điện lưới quốc gia đã có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của dân. Khu tái định cư được đặt trên vùng sỏi đá nên không thể gieo trồng. Chính quyền địa phương đã hứa là sẽ bố trí quỹ đất sản xuất nhưng đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi. 
Ông Hơh- một người dân trong làng bộc bạch: “Nhìn vào làng thì ai cũng tưởng là khang trang lắm nhưng thực tế thì cuộc sống bà con còn khổ lắm. Đúng là có nhà ở, có trường học, đường sá, điện nước nhưng không có người lãnh đạo thì làm sao mà phát triển được”.
Ông Trương Viết Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le tâm sự: “Vấn đề bây giờ là cần có quyết định thành lập thôn, khi đó mới có Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, các đoàn thể thôn, làng. Hiện tại, có một người quản lý nhưng không có chế độ phụ cấp gì hết”.
Trường hợp ở làng Kênh Chông là tình trạng chung trong việc thực hiện chủ trương định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai. Mới đây, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Mã Điền Cư- Phó Chủ tịch dẫn đầu đã tiến hành giám sát về chính sách này ở tỉnh Gia Lai. Kết quả cho thấy toàn tỉnh có hơn 1 ngàn hộ với gần 4.500 nhân khẩu, thuộc 130 thôn, làng cần phải di dời, tái định canh, định cư và được Chính phủ phê duyệt hỗ trợ đầu tư với tổng kinh phí hơn 240 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, qua 3 năm triển khai, Gia Lai chỉ mới di dời, tổ chức tái định canh, định cư được 641 hộ, 2.757 khẩu (chỉ đạt 13% kế hoạch).
Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm