Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chống tin giả như chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất nước đang bước vào đợt cao điểm phòng-chống dịch Covid-19. Các biện pháp mạnh mẽ được triển khai với tinh thần “Khẩn trương hơn nữa! Quyết liệt hơn nữa!” để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh. Một trong số đó là chống lại “dịch” tin giả, tin sai sự thật. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.

 

Nhận diện tin giả

Sự lây lan của tin giả, nhất là trên mạng xã hội là vấn nạn làm đau đầu chính phủ của nhiều quốc gia. Bởi giống như vi rút gây dịch bệnh lây lan theo cấp số nhân, tin giả tấn công vào “sức đề kháng” của mỗi con người, gây hoang mang dao động, thiếu tỉnh táo, mất lòng tin, chia rẽ cộng đồng, thậm chí trở thành nhân tố kích động bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong thời kỳ hệ thống chính trị-xã hội đang phải ứng phó với một thử thách lớn như dịch Covid-19.

Công an huyện Chư Prông làm việc với một trường hợp chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: L.V.N



Tin giả là thông tin sai lệch, xuyên tạc ở mức độ cao. Trong 4 cấp độ của thông tin sai lệch, xuyên tạc thì tin giả được xác định ở 2 cấp độ: cấp độ 3 (thông tin có thêm thắt, thổi phồng, bóp méo sự thật) và cấp độ 4 (thông tin bịa đặt, chưa hề hoặc không hề tồn tại trong cuộc sống). Ban đầu, người đăng tải, chia sẻ tin giả có thể xuất phát từ một số động cơ chủ yếu như: trục lợi kinh tế, tạo ra tâm lý thiếu tin tưởng hệ thống cung ứng, phải đi mua, tích trữ hàng hóa để đầu cơ, nâng giá bán hoặc quảng cáo, câu view, câu like, lượng truy cập trên mạng xã hội, các trang điện tử. Một bộ phận do hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết pháp luật, không ý thức được hậu quả nên đã đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc. Tuy nhiên, lại có những phần tử phản động, cơ hội chính trị, xuất phát từ mục đích chống đối, lợi dụng tình hình, diễn biến dịch bệnh để tổ chức tuyên truyền, chống phá hệ thống chính trị nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, gây rối loạn hệ thống chính trị, tiến tới lật đổ chế độ.

Về hình thức thể hiện, có thể định dạng 3 loại tin giả theo động cơ, thông tin của nó. Thứ nhất, phổ biến là các bài viết với thông tin không có căn cứ, giật gân, tạo chú ý thường để được nhiều người xem thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng sẽ bày tỏ đồng tình, chia sẻ, lan truyền. Thứ hai, mạo danh nguồn tin chính thống, nhưng nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tạo lòng tin, hiểu nhầm đối với những độc giả, kể cả những người hiểu biết pháp luật nhưng chưa có thời gian hoặc chủ quan trong kiểm chứng thông tin. Thứ ba, biên tập, cắt ghép hình ảnh mô tả một sự việc, tình trạng ở hiện tại nhưng thực chất là thông tin cũ, diễn ra trong quá khứ, ở một địa điểm khác, thủ đoạn này rất tinh vi, khó phát hiện động cơ, mục đích của đối tượng.

Bên cạnh những nội dung, hình thức tin giả, tin sai sự thật nêu trên thì trong dư luận, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hiện nay cũng xuất hiện một số cá nhân không chỉ bày tỏ thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm trong thời điểm xảy ra dịch bệnh mà còn đăng tải, chia sẻ, bình luận những quan điểm, luận điệu không có lợi cho công tác phòng-chống dịch; thậm chí đưa ra những ý kiến “phản biện” theo lối quy chụp, đổ lỗi cho chính quyền, cố ý lèo lái dư luận nghĩ theo hướng tiêu cực. Hành vi này vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thêm nguồn tin sai lệch để ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thời gian qua, tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 đa số xuất phát trên môi trường internet, mạng xã hội, thường xoay quanh các nội dung: xúi giục người dân tiến hành các biện pháp “phòng-chống” dịch Covid-19 bằng các phương pháp phản khoa học, chưa được cơ quan y tế hướng dẫn, kết luận, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người; tung tin đồn thất thiệt về diễn biến, con số tử vong do dịch bệnh, khiến người dân hoang mang, mất lòng tin vào hệ thống chính trị; kêu gọi người dân tích trữ thực phẩm, mua sắm trang-thiết bị vệ sinh đề phòng trường hợp bị cách ly, phong tỏa đi lại…, gây ra nguy cơ thiếu hụt hàng hóa; xuyên tạc, thổi phồng, gây tâm lý sợ hãi, hiểu nhầm của người dân về cơ chế lây nhiễm, nguồn lây nhiễm, cách phòng tránh và không tin tưởng vào hiệu quả điều trị dịch bệnh Covid-19 của cơ quan y tế; kích động thù hằn, phân biệt đối xử đối với người nhiễm bệnh hoặc người đến từ các vùng đang có dịch bệnh, gây chia rẽ xã hội; kêu gọi tụ tập, biểu tình trái phép để công kích chủ trương, chính sách, biện pháp phòng-chống dịch bệnh, đặc biệt là khi dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Gia Lai, đến ngày 27-3-2020, cơ quan Công an đã tiến hành xác minh, mời làm việc đối với 17 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19. Qua làm việc, các chủ tài khoản trang Facebook cá nhân trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình khi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội; đồng thời cam kết gỡ bài vi phạm, đính chính nội dung và cam đoan không tái phạm. Tuy nhiên, những thông tin trên đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí hoài nghi những nỗ lực, kết quả của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng-chống dịch Covid-19.

Làm gì để chống tin giả?

Tình trạng trên cho thấy, việc nhận diện được tin giả (fake news), tin sai sự thật về dịch Covid-19 sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân bình tĩnh, thực hiện đúng trách nhiệm công dân khi đất nước yêu cầu, không lan truyền thông tin hay thực hiện hành vi gây bất lợi đối với hoạt động phòng-chống dịch đang trong thời khắc hết sức quan trọng. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các hoạt động lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để tung tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và chống phá hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn tỉnh cần thực hiện những nội dung sau:

Công an huyện Chư Prông làm việc với một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: L.V.N



Thứ nhất, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 để thống nhất nhận thức, hành động, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn nhằm chiến thắng dịch bệnh. Tuân thủ quan điểm về tập trung phòng-chống dịch theo nguyên tắc “chống dịch như chống giặc”; ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả.

Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải xác định bản thân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng-chống dịch Covid-19. Có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng, đất nước; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng-chống dịch; hạn chế tối đa việc tập trung, đi lại khi không cần thiết; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh Covid-19.

Thứ hai, tiếp nhận, chia sẻ thông tin về dịch bệnh từ những nguồn chính thống của Chính phủ, Bộ Y tế, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh... Cùng tham gia truyền tải những thông điệp, phát biểu chỉ đạo có sức lan tỏa mạnh mẽ về công tác phòng-chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia và của tỉnh về phòng-chống dịch Covid-19. Đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội các khẩu hiệu khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cao nhất của hệ thống chính trị và mỗi cá nhân trong triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan của dịch Covid-19.

Tạo làn sóng thông tin tích cực về các gương người tốt, việc tốt, những hành động, cử chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, những hoạt động thiết thực góp phần ủng hộ, động viên, đồng hành cùng hệ thống chính trị, lực lượng chức năng, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng-chống dịch. Thông tin những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động phải tạm ngừng việc, người trở về từ vùng dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang và những người tham gia phục vụ công tác phòng-chống dịch.

Thứ ba, ủng hộ chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến dịch Covid-19, đặc biệt là hành vi tung tin giả, tin thất thiệt về dịch bệnh. Kịp thời báo cáo cho cấp ủy, chính quyền về những trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc, tin thất thiệt, tin giả... Tăng cường thông tin, cung cấp địa chỉ, danh sách các trang mạng xã hội, tài khoản Facebook… đưa thông tin giả mạo, sai sự thật để người dùng cảnh giác; đặc biệt tập trung chia sẻ, lan tỏa các tin, bài đấu tranh phản bác các hoạt động lợi dụng dịch Covid-19 để tung tin giả, tin thất thiệt gây hoang mang dư luận và tuyên truyền chống phá hệ thống chính trị.

LÊ PHAN LƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy









 

Có thể bạn quan tâm