Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chốt chặn giao thông có làm sai quy trình?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chốt liên ngành kiểm tra xe quá khổ, quá tải trên quốc lộ 25 hết sức lạ lùng khi xe của Thanh tra Giao thông nằm “mai phục” ngay trước cổng Nhà máy Đường Ayun Pa còn tổ liên ngành gồm 3 Cảnh sát Cơ động, 1 Cảnh sát Giao thông và 1 Thanh tra Giao thông lại “núp” phía sau cánh cổng sắt của một doanh nghiệp phía đối diện Nhà máy Đường để “tiếp” nhà xe…

Thời gian này đang là lúc cao điểm thu hoạch mía, mì. Vì thế không có gì lạ khi đi dọc quốc lộ 25 liên tục bắt gặp các xe tải loại “3 chân, 4 chân” chở mía, mì cao ngút trời nghênh ngang bò trên đường chiếm hết cả lối đi. Người dân khu vực Đông Nam tỉnh quen gọi mùa thu hoạch mía, mì là mùa phá đường.

 

Tổ liên ngành làm việc sai quy trình, sai chỉ đạo của tỉnh. Ảnh: Đức Phương

Để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ quá tải đang hoạt động mạnh, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và lãnh đạo Công an tỉnh ký kế hoạch phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải thiết kế của xe hoặc quá tải trọng cho phép của cầu, đường đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ 14, 19 và 25 qua địa bàn Gia Lai.

Theo đó, 2 tổ công tác liên ngành đã được thành lập, biên chế mỗi tổ gồm: 3 Cảnh sát Giao thông, 3 Cảnh sát Cơ động, 4 Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, 2 Thanh tra Đường bộ III.06 (thuộc Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ bắt đầu từ ngày 15-12-2013. Kế hoạch nêu rõ, “Công tác TTKS, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng phải đặc biệt chú trọng tại nơi xuất phát, đầu mối tập kết hàng hóa”.

 

Xe của tổ liên ngành kiểm tra xe quá khổ quá tải cắm chốt tại cổng Nhà máy Đường Ayun Pa, thuộc “phần ngọn” của hành trình chở mía từ ruộng về nhà máy. Ảnh: Đức Phương

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Gia Lai sáng 23-12, Thượng tá Phạm Văn Uấn- Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Gia Lai thêm một lần khẳng định: Tổ liên ngành xử lý xe quá khổ, quá tải đã chính thức hoạt động 2 ngày qua. Bước đầu, các tổ tiến hành tuần tra, nhắc nhở các phương tiện vi phạm trên các tuyến đường như quốc lộ 14, 19 và 25 - nơi đang có nhiều xe tải chở mía vượt quy định và trọng tải cho phép; sau đó sẽ xử lý nghiêm buộc hạ tải, tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện nếu chủ xe tiếp tục vi phạm. Các tổ liên ngành sẽ đến tận các điểm tập kết hàng hóa để tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện chấp hành đúng quy định khi xếp hàng hóa…

Thế nhưng, khoảng 17 giờ ngày 25-12, phóng viên Báo Gia Lai chứng kiến một tổ liên ngành cắm chốt, dừng xe “mai phục” ngay trước cổng Nhà máy đường Ayun Pa khá kỳ lạ. Bởi vì đây là điểm cuối cùng trên hành trình chở mía từ ruộng về nhà máy chứ không phải là “điểm xuất phát, đầu mối tập kết hàng hóa” như chỉ đạo của tỉnh. Hơn nữa, lực lượng chức năng gồm 3 Cảnh sát cơ động, 1 Cảnh sát Giao thông và 1 Thanh tra Giao thông lại đang “núp” bên trong cánh cổng sắt khép hờ của một doanh nghiệp phía đối diện với cổng Nhà máy đường-nơi có xe Thanh tra Giao thông cắm chốt- để “tiếp đón” đại diện nhà xe chở mía.

 

Tổ liên ngành gồm 1 Thanh tra Giao thông, 1 Cảnh sát Giao thông và 3 Cảnh sát Cơ động “núp” phía sau cổng sắt của một doanh nghiệp đối diện Nhà máy Đường Ayun Pa để tiếp đại diện nhà xe chở mía. Ảnh: Đức Phương

Phóng viên chúng tôi cũng chứng kiến một số xe tải chở mía cao lút thùng xe, nhìn rất cồng kềnh thản nhiên lướt qua chốt, rồi rẽ vào lối đậu chờ trước cổng Nhà máy Đường Ayun Pa. Liền đó, tài xế hoặc người đi theo xe chạy bộ qua đường vào sau cánh cổng sắt của doanh nghiệp nọ để gặp tổ liên ngành trong vài phút rồi quay ra xe mía. Trong thời gian chúng tôi đứng quan sát thì tuyệt nhiên không thấy người nào trong tổ liên ngành đi sang bên kia đường để kiểm tra tải trọng của các xe mía.

Những gì phóng viên chúng tôi chứng kiến được vào 17 giờ ngày 25-12, không biết liệu tổ liên ngành có làm sai quy trình và sự chỉ đạo của cấp trên?

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm