Phóng sự - Ký sự

Chợt nhớ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bâng khuâng nhớ mùa lúa rẫy, nhớ màu vàng miên man trên thung đồi mà thuở ấy chắc không ai nghĩ đó là biểu tượng của lạc hậu, đói nghèo.
Mới sáng sớm nắng đã tràn ngập. Siu Pơ đợi tôi bên chiếc cầu thang nứt nẻ rồi nói: "Người ta đi hết rồi. Chỉ những cái chân không leo được dốc nữa mới chịu buồn thôi".
Miên man sắc màu
Lần đầu trong đời tôi đi thử cảm giác Ning nơng.
Hằng năm, cứ sau Tết nguyên đán, đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên sẽ vào tháng Ning nơng. Ấy là khi sau một năm quần quật trên rẫy, lúa đã cất vào kho, con người cần trở về cội nguồn, hòa với thiên nhiên để quên mọi khó nhọc, ưu phiền trước khi bước vào mùa rẫy mới.
Siu Pơ giải thích và cho biết điều đặc biệt trong tháng Ning nơng là săn bắt, hái lượm không dùng đến các phương tiện văn minh, không vì mục đích kiếm sống. Cả ngày lang thang trong rừng, có khi chỉ kiếm được vài chùm quả dại hoặc con chuột nhỏ, thậm chí trở về tay không để rồi hôm sau lại tiếp tục hành trình vô định.
Rừng ở Ia Mơr là rừng khộp, miên man những loài cây lá rộng. Những cây dầu vỏ rắn chắc sần sùi, trông khắc khổ già nua nhưng cứ vút lên lực lưỡng, cường tráng như thể khẳng định cái thế làm chủ giang san bất diệt.
Giờ thì tôi bỗng lạc vào xứ sở miên man sắc vàng. Những chiếc lá khộp như vàng ai dát tung lên chấp chới cả không gian. Nắng cũng mỏng như tấm lụa vàng choàng lên cây cỏ. Hàng đàn bướm dập dờn như phoi vàng ai rắc. Những bụi le rắn chắc lá cũng bủng vàng, từng đốt thân chóe lên sắc vàng pha loãng. Một tiếng ve lẻ loi cất lên ngắn ngủn, đủ khua động cái tĩnh lặng đến lạ kỳ của đại ngàn đang tiết xuân thì.
Mãi ngắm bức tranh vàng siêu thực, tôi quên Siu Pơ đang ở đâu. Một tiếng hú dài vọng đến lay tôi ra khỏi ảo giác. Lần theo tiếng hú, tôi đến một bãi đất bằng ven suối, thấy Siu Pơ mang về một xâu cá để đấy tự bao giờ.
Những con cá suối to bằng cán dao, mình tròn như cá đối, vảy ngời ánh bạc. Bếp lửa than đã hồng. Bỏ từng vốc gạo nếp thơm lừng vào ống lồ ô tươi gác lên giàn lửa. Vậy là có cơm lam nguyên chất của núi rừng. Thịt bò khô nướng cháy cạnh. Và đây, món cá nướng tươi ròng, mỡ tứa ướt lá.
Nâng quả bầu trích một dòng rượu cần vào chiếc cốc gọt bằng gốc lồ ô còn nguyên mùi nhựa, tôi cố nuốt thật chậm để cảm nhận hương vị thuần khiết lần đầu tiên được nếm của núi rừng. Bẻ một miếng cá chấm với muối giã ớt chỉ thiên cay xé cổ, vị rượu cần ngọt dịu quyện với vị béo của cá nghe cong vắt cái cảm giác hoan lạc đầu chót lưỡi.
Ngọn lửa trong tôi từ từ thức dậy. Dịu êm rồi bùng cháy. Xung quanh tôi, nắng nhểu từng giọt vàng ươm lên mặt đất. Gió khẽ khàng như gót chân ai vọng đến từ một cõi rất mơ hồ. Cứ mỗi cốc rượu tôi lại lùi thêm một quãng với cuộc đời đang sôi động ngoài kia. Trong veo trong tôi chỉ còn bản ngã. Và rừng.
Lại một tiếng hú dài vọng đến. Sau tiếng hú đáp của Siu Pơ, một tốp đông đàn ông lẫn đàn bà tiến đến. Người nào cũng lủng lẳng trên tay một xâu chuột rừng to như bắp chân, lông vàng khé còn bị kẹp nguyên trong bẫy. Không đợi lời mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc. Cả một góc rừng xao động như hội làng.
Cảm giác hoan lạc, tươi ròng của mùa Ning nơng trong tôi cứ dần vơi theo từng bước chân xuống núi. Một ngày được hòa mình giữa thiên nhiên; ăn những món lấy từ thiên nhiên thuần khiết, chẳng có gì gọi là cao sang mỹ vị, vậy mà bao năm rồi vẫn lâng lâng như là được trở về từ cội nguồn của sự sống tươi ròng, viên mãn.
Lễ cúng lúa mới của người Bah Nar ở Tây Nguyên
Lễ cúng lúa mới của người Bah Nar ở Tây Nguyên
Xin Yang vừa đủ
Sau trận cháy rừng mới tràn qua hôm trước, tôi cố nén hơi thở nóng rát dò dẫm theo Mít.
Trái với sự nôn nóng bạc nhược của tôi, Mít bước từng bước êm ái, chắc nịch. Ngọn đèn pin gắn trên mũ vẫn bình thản rỉa rói từng khoảng tối.
Rừng vào mùa rẫy như ám khói bởi những đám lửa dọn rẫy ngày nối ngày. Lửa tàn sát sự sống của rừng nhưng cũng cho cỏ cây một sức sống mới. Nhạy cảm với những thứ lộc non tơ này tất nhiên là bầy thú. Và như thế, mùa săn bắt đầu.
Trong đám thợ săn gạo cội ở nơi tôi đến là Ia Puych, Ksor Mít nổi tiếng nhất. 14-15 tuổi, cậu bé người Jrai này đã theo chân các thợ săn trong làng, rồi cũng đã dám đi săn một mình. Ban ngày, anh có thể dùng kèn lá giả tiếng mang hoặc nai con để dụ mẹ chúng lại. Dân làng tin đã vào rừng là chẳng mấy khi Mít về không.
Nhưng Mít thì không đam mê việc sát thú này. Chỉ khi bạn bè thật thân rủ, anh mới đi. Đặc biệt, chưa bao giờ anh lạm dụng tài săn bắn để trục lợi.
Trên đường đi, anh kể về những quy ước trong việc săn bắt thú rừng của địa phương. Mới cách đây chừng mươi năm thôi, đồng bào vẫn quen đi săn tập thể một làng nhưng có khi hai, ba làng, tùy đàn thú. Biết được nơi ẩn nấp của chúng rồi người ta dùng mõ, nồi niêu khua để dồn lại.
Khi hàng rào người đã thít chặt, ai có kinh nghiệm nhất, dũng cảm nhất sẽ được lựa vào vòng trong. Mỗi người cầm một cây le dài, vót nhọn làm vũ khí. Với những loài hiền lành như nai, mang thì chẳng có gì đáng sợ. Nhưng hung dữ như heo rừng, nếu không có kinh nghiệm cũng có thể mất mạng như chơi.
Trong tiếng mõ, tiếng kêu la xé rừng của bầy thú lồng lộn như điên dại để tìm lối thoát, người ở vòng trong phải tự mình lựa chọn cơ hội để diệt chúng. Nhưng bất luận thế nào thì những con thú nhỏ, những con đang chửa nhất thiết phải để lại. Khi số thú bắt được áng chừng đã đủ chia, già làng sẽ hú lên ra hiệu dừng tay.
Bắt thú vừa đủ ăn là một quy ước nên không bao giờ người ta giết dự trữ để ăn dần, cũng không bao giờ được giết cả bầy thú, dù chỉ có vài con. Thế nên, trong lễ cúng sau mỗi cuộc đi săn, già làng bao giờ cũng "cắt nghĩa" với Yang Chư (thần rừng) rằng "chúng tôi chỉ xin Yang vừa đủ. Nếu giết hết giống của Yang, xin hãy cứ trừng phạt".
Người thợ săn xưa kia dù giỏi mấy cũng chỉ săn bắt một số lượng thú nhất định, vượt quá số đó thì tự giác không săn nữa. Cả đặt bẫy cũng vậy. Có hàng chục quy định cho việc này.
Chẳng suy tính thiệt hơn
Bắt đầu là những cơn gió. Những cơn gió bất thường mọc lên như bão. Rừng rùng mình giũ sạch khối hơi ẩm tích đọng từ những cơn mưa lê thê để ló ra sắc vàng cháy của dã quỳ. Mùa rẫy đến.
Tôi về Dít Le chơi với bạn là giáo viên "cắm làng". Đường vào Dít Le ngợp giữa hai bức tường dã quỳ rừng rực. Từng mảng lúa chín nhấp nhô giữa triền xanh ngăn ngắt.
Trường học ngay đầu làng. Đó là căn nhà hoang được dân làng sửa lại. Một bên làm lớp học, phần nhỏ làm nơi ở cho hai giáo viên. Làng vắng ngắt. Giờ này dân trong làng đã lên rẫy hết, chỉ còn mấy cụ già ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Từng đàn lợn sề nhởn nhơ quanh những vũng nước nhoét nhoe dưới gầm sàn. Cơm đổ trắng đất mà chúng chẳng buồn ăn.
Bạn rủ chiều lên rẫy suốt lúa với bà con. Học sinh nghỉ mùa, ở nhà chẳng làm gì. Cả hai thầy giáo đã được làng góp gạo nuôi, đi suốt lúa thuê chỉ để đỡ buồn và là cái thú được chiêm nghiệm "văn hóa nương rẫy".
Sau lễ cúng rẫy
Sau lễ cúng rẫy
Thú thực lúc đó, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước điều bạn nói. Xốc chiếc gùi đựng bữa ăn trưa cho hai người lên vai, vừa đi bạn vừa giảng cho tôi hiểu.
Ngược con dốc ngắn rồi men theo lối mòn khúc khuỷu để tới rẫy làng, bạn bảo không sợ lạc đường vì đã có những sợi dây rừng giăng suốt từ làng tới rẫy. Đồng bào làm vậy để hồn lúa biết mà theo về nhà. Những ô lúa vàng như chiếu trải, rưng rức chín trước mắt tôi.
Mùa suốt lúa có thể kéo dài một, hai tháng. Chẳng ai sốt ruột, cũng chẳng ai nghĩ tới cách làm khác. Với đồng bào, cắt ngang thân lúa là cắt rời hồn lúa; đập lúa là làm đau hồn lúa, thần lúa sẽ sợ hãi bỏ đi và như thế sẽ mất mùa, đói khát. Còn làm rơi rụng lúa là để trả ơn đất đã nuôi dưỡng cây lúa sinh thành.
Nắng mỏng dần từng lớp. Làng thiếp ngủ ban trưa bỗng thức dậy khi lũ trẻ con ào ra với những đồ chơi nghèo nàn. Trên mỗi cầu thang nhà, tiếng giã gạo đan nhau thình thịch. Hương gạo mới nồng nàn quánh vào khứu giác.
Những người bán hàng dạo bắt đầu đến từng nhà cất tiếng chào mời đổi chác kẹo, bánh đa, bánh rán… Không một đồng tiền mặt nào, tất cả đều hàng đổi hàng. Một lon gạo là 5 chiếc kẹo chanh, 2 bánh đa nướng hoặc 4 chiếc bánh rán nhỏ… Chẳng ai suy tính thiệt hơn. Dường như ai cũng thả tự do cái nhu cầu hưởng thụ của mình trong mùa no đủ, dù có thể chỉ vài tháng sau mùa suốt lúa đã có không ít nhà phải ăn sắn hay củ mài thay cơm. 
 
Như bữa tiệc cao sang nhất
Bao năm rồi nhưng cái mùa rẫy được mục sở thị đầu tiên ấy, bữa cơm gạo mới với muối ớt chỉ thiên chấm cà đắng ấy vẫn còn trong ký ức tôi như một bữa tiệc cao sang nhất. Đấy là cảm giác của một đứa con ruộng đồng được thấy lại cái hương mùa trong veo, đích thực đã mất đi vĩnh viễn từ ngày các giống lúa mới lên ngôi.
Theo Ngọc Tấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm