Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Chủ động phòng ngừa sốt rét trong mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 400 ca mắc sốt rét. Mùa mưa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt rét. Vì vậy, ngành Y tế, chính quyền các địa phương và người dân phải chung tay phòng-chống.
Huyện Krông Pa là một trong những vùng trọng điểm về sốt rét của tỉnh với gần 300 ca mắc từ đầu năm đến nay, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người lao động thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng bệnh sốt rét đang có diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nguy cơ bùng phát thành dịch khi mùa mưa đến.
Thời gian qua, huyện Krông Pa đã triển khai nhiều giải pháp phòng-chống sốt rét. Ông Siu Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Năm 2019, huyện ghi nhận 1.098 ca mắc sốt rét, tăng gấp đôi so với năm 2018. Riêng từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 300 ca. “Xác định công tác phòng-chống sốt rét là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngành Y tế huyện tăng cường công tác truyền thông và triển khai thực hiện các dự án phòng-chống; chủ động giám sát tại các thôn, buôn và khu vực nhà rẫy nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để xảy ra tử vong. Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi tại các cụm nhà rẫy, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng-chống bệnh”-ông Thanh nói.
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng-chống sốt rét. Ảnh: N.N
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng-chống sốt rét. Ảnh: N.N
Tại huyện Ia Pa, dù số ca mắc sốt rét không nhiều nhưng bệnh diễn biến khó lường, đặc biệt có khả năng tăng cao khi bước vào mùa mưa. Ông Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Ia Pa có 9 xã với trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trọng điểm về sốt rét là: Ia Ma Rơn, Ia Trok, Chư Mố, Ia Kdăm. Năm 2019, Ia Pa đứng thứ 2 toàn tỉnh về số ca mắc sốt rét. Đến thời điểm này, huyện cũng đang xếp ngay sau Krông Pa với 26 ca mắc.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiên, mặc dù ý thức của người dân về phòng-chống sốt rét đã được nâng lên nhưng cũng còn nhiều người chủ quan, lơ là. “Dự lường tình hình sốt rét sẽ còn tăng trong thời gian đến nên chúng tôi chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến người dân các biện pháp phòng-chống, nhất là với đối tượng đi rừng, ngủ rẫy; triển khai phun hóa chất diệt muỗi; tẩm màn; cấp phát kem xua muỗi đến người dân... nhằm thực hiện mục tiêu không để dịch bùng phát và lây lan; không để xảy ra tử vong do sốt rét”-ông Thiên cho hay.
Những năm gần đây, tình hình sốt rét trên địa bàn huyện Đức Cơ không diễn biến phức tạp như trước. Điều này ghi nhận nỗ lực của chính quyền các cấp và sự chung tay của người dân. Ông Trần Quang Chỉ-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, huyện chỉ ghi nhận 5 ca mắc sốt rét, nhưng không vì thế mà địa phương chủ quan trong công tác này, nhất là khi mùa mưa tới gần. Khó khăn hiện nay là trên địa bàn có nhiều đối tượng đi rừng, ngủ rẫy ở vùng biên giới nên khó kiểm soát; số màn, võng được cấp cho người dân phần nhiều đã hư hỏng, thêm vào đó một bộ phận người dân còn chủ quan với dịch bệnh.
Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Bệnh sốt rét xảy ra quanh năm nhưng thường diễn biến phức tạp vào mùa mưa do môi trường ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét phát triển. Nhằm chủ động phòng-chống và không để xảy ra dịch sốt rét trong năm 2020, ngành Y tế tỉnh tiếp tục chủ động giám sát dịch tễ sốt rét tại các xã trọng điểm; tăng cường, kiểm tra, giám sát ở các xã gia tăng bệnh nhân sốt rét, tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chẩn đoán, điều trị; chú trọng tập huấn chẩn đoán điều trị và giám sát phòng-chống sốt rét. Mặt khác, chỉ đạo y tế thôn bản tuyên truyền, vận động các nhóm dân di biến động vào vùng sốt rét mang theo màn, võng tẩm hóa chất để hạn chế mắc bệnh, nếu nhiễm bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra tử vong.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm