Chư Gu tăng tốc "về đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai) đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Để “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2020, xã đang tập trung thực hiện 3 tiêu chí còn lại: hộ nghèo, văn hóa, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, xã đặc biệt tập trung các giải pháp để sớm đạt tiêu chí hộ nghèo.
Xã Chư Gu có 6 thôn, buôn với 1.700 hộ, hơn 7.800 khẩu (hơn 73% là người dân tộc thiểu số). Qua rà soát, đầu năm 2019, toàn xã còn 382 hộ nghèo (chiếm 22,9%). Để giúp người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xã đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ. Đồng thời, xã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Theo đó, sau khi rà soát nhu cầu hộ nghèo, xã đã hỗ trợ 49 con bò cho 49 hộ, cấp 4 tấn lúa giống HT1 cho 151 hộ và cấp hơn 5,8 tấn phân cho 25 hộ để phát triển sản xuất. Ngoài ra, từ các nguồn hỗ trợ, xã đã xây 5 nhà tình thương cho 5 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Nhờ đó từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có 128 hộ thoát nghèo. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 14,67%.
Chị Ksor H'Nui bên ngôi nhà sàn kiên cố mới dựng. Ảnh: G.H
Chị Ksor H'Nui bên ngôi nhà sàn kiên cố mới dựng. Ảnh: G.H
Gia đình chị Ksor H'Nui (buôn Chư Bang) là hộ được xã hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế và đã vươn lên thoát nghèo. Chị H'Nui phấn khởi cho biết: “Gia đình có 7 người nhưng chỉ trông vào 5 sào mì và tiền công vợ chồng đi làm thuê nên cuộc sống bấp bênh, không đủ ăn. Khi được xã hỗ trợ cho 1 con bò cái, gia đình vay mượn của anh em họ hàng mua thêm 1 con bò nữa để nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ, gia đình sẽ giữ lại để gây đàn. Đây là nguồn vốn để gia đình tiếp tục phát triển kinh tế”.   
Cũng tại buôn Chư Bang, gia đình chị Ksor H'Bik đã thoát nghèo vào cuối năm 2018 nhưng nhà ở còn tạm bợ. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ, chị đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cộng với hơn 50 triệu đồng gia đình tích cóp để làm ngôi nhà sàn mới kiên cố, khang trang. Chị H'Bik nói: “Gia đình mình có 3 ha đất trồng mì. Giờ có được ngôi nhà mới kiên cố, không lo nắng mưa nữa, mình sẽ cố gắng phát triển kinh tế gia đình để trả nợ ngân hàng”.
Ông Siu Nghi-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Chư Bang-cho biết: Thời gian qua, Ban Nhân dân thôn đã triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay, bà con trong buôn đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước, trồng cây thuốc lá, chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập. Từ đầu năm đến nay, trong buôn đã có 5 hộ thoát nghèo, hiện còn 11 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo.     
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu: Từ khi công trình thủy lợi hoàn thành dẫn nước về cánh đồng Chư Gu, người dân trong xã đã có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lúa nước, tăng thu nhập. Ngoài ra, hàng năm, chính quyền xã khảo sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo để có phương án giúp đỡ phù hợp. Đối với những hộ đăng ký thoát nghèo, xã sẽ tập trung hỗ trợ lúa giống, con giống, phân bón theo nhu cầu thực tế và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở những lớp tập huấn, đào tạo nghề… Đặc biệt, xã làm tốt công tác phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, hơn 90% hộ nghèo của xã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. “Đến năm 2020, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% và hoàn thiện tiêu chí văn hóa, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, chúng tôi tiếp tục đề xuất huyện, các ngành tạo mọi điều kiện để cho người dân được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Tuyên thông tin thêm.
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm