Chư Jôr gian nan thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù là xã giáp ranh với TP. Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km nhưng Chư Jôr lại là một trong những xã nghèo nhất của huyện Chư Pah. Có nhiều nguyên nhân khiến cho công tác xóa đói, giảm nghèo của Chư Jôr những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó thiếu đất sản xuất được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.  

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo xã Chư Jôr những năm qua luôn ở mức cao, biến động trên dưới 50% dân số toàn xã. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công tác xóa đói, giảm nghèo những năm qua của xã gần như giậm chân tại chỗ được chỉ ra là tình trạng thiếu đất sản xuất, cùng với tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, hàng năm người dân luôn phải đối mặt với những diễn biến bất lợi của thời tiết như hạn hán, lũ lụt dẫn đến mất mùa thường xuyên xảy ra càng làm cho đời sống người dân thêm bội phần khó khăn.

 

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ xập xệ, ông Rmah Jút ở làng Wet, cho biết: gia đình 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 sào lúa nước ở cánh đồng Chư Jôr nên đời sống gia đình mình khó khăn lắm, đứa con đầu đã phải nghỉ học để đi chăn bò thuê phụ giúp thêm cho gia đình. Tương tự, hộ gia đình anh Siu Grak (thôn Đoàn Kết) cũng gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, phải sang xã Chư Đăng Ya thuê đất. Anh Grak cho biết: “nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào 3 sào lúa một vụ tại cánh đồng Chư Jôr năm được năm mất do thời tiết diễn biến thất thường và khoảng 400 cây cà phê đang làm bên xã Chư Đăng Ya”. Không riêng gia đình ông Jút, anh Siu Grak, phần lớn người dân trong thôn Đoàn kết đều thiếu đất sản xuất, trung bình mỗi hộ trong thôn chỉ có khoảng 2-3 sào lúa nước, ngoài ra không có đất để trồng các loại cây trồng khác. Do đó, phần lớn người dân phải đi làm thuê ở các địa phương khác, cũng có không ít trường hợp con em trong thôn phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê, chăn bò thuê để phụ giúp gia đình.
 

Toàn xã có 241 hộ với 1.118 khẩu, trong đó người Jrai chiếm khoảng 30% dân số toàn xã, được phân chia thành 3 thôn làng (trong đó có 2 thôn làng (làng Wet và thôn Đoàn Kết) thuộc 14 thôn, làng đặc biệt khó khăn của huyện).

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr cho biết, Chư Jôr là một xã thuần nông, cây trồng chủ yếu là lúa nước với diện tích 400 ha thuộc cánh đồng Chư Jôr. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12 ha lúa là do người dân tại địa bàn sản xuất, số còn lại đều do người dân xã Tân Sơn (tp. Pleiku) và một số ít hộ dân từ các xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đến xâm canh (do trước đây Chư Jôr thuộc xã Tân Sơn, sau khi tách ra thành xã mới thì đa số diện tích lúa tại cánh đồng lại thuộc quyền sở hữu của người dân xã Tân Sơn). Theo số liệu điều tra mới đây, xã có 18 hộ dân thiếu đất sản xuất nhưng thực tế những hộ có đất sản xuất thì diện tích cũng không nhiều, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ có khoảng 2-3 sào ruộng. Điều này, gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn, làm cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân xã Chư Jôr phát triển sản xuất như cấp bò, công cụ sản xuất… (thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân ở 14 thôn, làng đặc biệt khó khăn) nhưng kinh phí hỗ trợ quá ít. Cụ thể, năm 2013, huyện hỗ trợ 6 con bò sinh sản, 2.586 kg phân bón NPK; trong năm 2014 thì hỗ trợ làm nhà ở cho 6 hộ dân, mỗi hộ 18 triệu đồng (13 triệu đồng làm nhà, 5 triệu đồng phát triển sản xuất)-ông Trịnh Văn Tuyên cho biết thêm.

Bên cạnh đó, mặc dù là xã giáp ranh với TP. Pleiku, giao thông đi lại, giao thương với bên ngoài rất thuận lợi nhưng trên địa bàn xã hầu như không có một cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn nào, chỉ có một vài quán tạp hóa nhỏ lẻ. Điều này, đang là bài toán nan giải cần được chính quyền các cấp quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế Chư Jôr phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm