(GLO)- Quần thể cây trắc hơn 20 năm tuổi đang sinh trưởng và phát triển tốt trên đất rẫy, vườn nhà của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah. Những cây gỗ quý hiếm này đang được người dân bảo vệ nghiêm ngặt trước sự nhòm ngó của kẻ xấu.
Bảo vệ bằng mọi giá
Dẫn chúng tôi đi xem những cây trắc của gia đình, anh Run (làng Mor, xã Đak Tơ Ve) vui vẻ cho biết: Hiện trong rẫy của gia đình có hơn 100 cây trắc được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Những cây này đều đã hơn 20 năm tuổi, được gia đình phát hiện trong quá trình làm rẫy và giữ lại để chăm sóc. Trước đây, những cây trắc còn nhỏ, tán chưa rộng thì gia đình có thể trồng xen các loại cây khác như: lúa, mì. Tuy nhiên, hiện nay, cây đều đã lớn, tán cây che kín mặt đất nên không thể sản xuất nông nghiệp trên mảnh rẫy này được nữa. Kinh tế gia đình theo đó khá khó khăn. Trong khi đó, những cây trắc này phải 20-30 năm nữa mới được khai thác.
Một hộ khác ở làng Mor cũng có nhiều cây trắc cổ thụ là gia đình anh Trà. Anh Trà cho hay, gia đình anh có gần 30 cây trắc hơn 20 năm tuổi đang được khoanh nuôi, bảo vệ trong vườn nhà. Nếu tính cả diện tích đất rẫy thì gia đình có khoảng 70 cây trắc. “Người dân trong làng ai cũng biết về giá trị của loại gỗ này nên rất có ý thức bảo vệ. Vừa rồi, nhiều người từ nơi khác đến hỏi mua nhưng dân làng kiên quyết không bán vì muốn giữ lại cây gỗ quý hiếm cho các thế hệ con cháu sau này”-anh Trà nói.
Các đội, nhóm thường xuyên tuần tra, kiểm soát để bảo vệ quần thể gỗ trắc quý hiếm. Ảnh: C.H |
Ông Phạm Trọng Thích-kiểm lâm địa bàn xã Đak Tơ Ve-cho biết: Hầu như gia đình nào ở địa bàn xã cũng có cây trắc trên rẫy, trong vườn nhà và được khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt. Những cây trắc này người dân phát hiện trong quá trình khai hoang sản xuất và được giữ lại, bảo vệ cho đến ngày hôm nay. Đa số cây trắc đều đã hàng chục năm tuổi, đường kính 25-30 cm. Tại nhiều khu vực, trắc sống tập trung thành quần thể cực kỳ quý hiếm. “Không chỉ riêng xã Đak Tơ Ve mà qua trao đổi với anh em làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, các xã khác trên địa bàn huyện Chư Pah đều có những quần thể trắc quý hiếm hàng chục năm tuổi đang được người dân bảo vệ, gìn giữ nguồn gen quý hiếm”-ông Thích khẳng định.
Cũng theo ông Thích, thời gian gần đây, một số đối tượng lén lút xâm nhập khoan trộm để kiểm tra lõi của cây trắc. Việc này đã ảnh hưởng đến tâm lý của bà con cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển bình thường của cây. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đã tích cực tuyên truyền bà con tiếp tục bảo vệ nguồn gen quý hiếm; đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ các cây gỗ trắc trước sự nhòm ngó của kẻ xấu.
Chính quyền cần vào cuộc
Già làng Nõ (làng Mor) cho hay: Mấy chục năm nay, người dân trong làng tự ý thức và có trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ các cây trắc quý hiếm. Trong các buổi sinh hoạt làng, người dân đều thống nhất sẽ bảo vệ, giữ gìn quần thể trắc cho thế hệ con cháu chứ không bán lấy tiền. Dân làng cũng thành lập các đội, nhóm để thường xuyên tuần tra, bảo vệ cây trắc. Khi phát hiện những đối tượng lạ mặt có ý định xâm hại tài nguyên rừng, đặc biệt là gỗ trắc quý hiếm, bà con sẽ thông báo đến chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Cây gỗ trắc bị đối tượng xấu khoan lỗ để kiểm tra lõi cây. Ảnh: Chí Hào |
Mặc dù số lượng quần thể trắc trên địa bàn huyện Chư Pah khá lớn và đang được người dân khoanh nuôi, bảo vệ hiệu quả nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có thống kê chính xác, cũng chưa có chính sách hỗ trợ người dân khoanh nuôi, bảo vệ. Do đó, việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm này đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi cơ quan chức năng cùng vào cuộc để bảo vệ cũng như hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-cho biết: Người dân trên địa bàn xã đang chăm sóc, bảo vệ rất nhiều cây trắc hàng chục năm tuổi. Tuy nhiên, địa phương chưa có thống kê số lượng cụ thể mà chủ yếu người dân đang quản lý, bảo vệ theo quy mô hộ gia đình. Ủy ban nhân dân xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của rừng, trong đó có gỗ trắc quý hiếm. Những cây trắc đang sinh trưởng, phát triển tốt, về lâu dài sẽ góp phần nâng cao độ che phủ rừng tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là tán cây đã che hết đất sản xuất nên người dân không thể trồng xen các loại cây như: lúa, mì… như trước đây. Đời sống người dân vì vậy cũng có phần khó khăn. Thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành thống kê số lượng cây trắc trên địa bàn và đề xuất cấp trên có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống người dân đang khoanh nuôi, bảo vệ nguồn gen quý hiếm này.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah-thông tin thêm: Hạt đã nắm được thông tin người dân đang khoanh nuôi các cây trắc hàng chục năm tuổi trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề khó là các cây trắc này đều nằm trên đất sản xuất của người dân nên cơ quan chuyên môn chỉ có thể tăng cường tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức về việc bảo vệ. “Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thống kê cụ thể quy mô, diện tích quần thể trắc. Sau đó sẽ có báo cáo lên UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét, có chính sách hỗ trợ người dân đang quản lý, bảo vệ nguồn gen quý hiếm này; tránh trường hợp cây gỗ quý bị bán ra thị trường”-ông Thịnh nói.
CHÍ HÀO-NGỌC SANG