Chư Pah: Phức tạp tình trạng cho thuê và sang nhượng đất sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm  gần đây, tình trạng cho thuê và sang nhượng trái phép đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Pah diễn biến khá phức tạp. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất cũng như sinh hoạt của một bộ phận người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Qua khảo sát, huyện Chư Pah hiện có gần 800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê và sang nhượng trái phép đất sản xuất. Trong đó, trên 400 hộ đã chuyển nhượng hơn 207 ha đất và 392 hộ cho thuê đất với diện tích trên 240 ha, thời gian cho thuê từ 3 đến 35 năm, tiền thuê 5-15 triệu đồng/ha/năm. Phần lớn các hộ cho thuê và sang nhượng đất đều thuộc diện nghèo. Theo phản ánh của một số hộ dân, lý do họ cho thuê đất là vì đời sống quá khó khăn, thiếu vốn đầu tư sản xuất, chưa biết cách canh tác hiệu quả. Vì vậy, số tiền thu được từ việc cho thuê đất có khi còn cao hơn tự canh tác.

 

Ông Đưch làm cỏ thuê trên chính mảnh đất của mình đã cho thuê. Ảnh: T.V
Ông Đưch làm cỏ thuê trên chính mảnh đất của mình đã cho thuê. Ảnh: T.V

Ông Đưch (làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya) cho biết, gia đình ông có khoảng 5 sào đất và đều đã cho thuê. Không còn đất để sản xuất nên ai thuê gì làm nấy. “Khi cho thuê đất, hai bên tự thỏa thuận với nhau, viết giấy tay thôi. Tôi đang lo đến khi hết thời hạn cho thuê, không biết có lấy lại được đất hay không”-ông Đưch nói.

Xã Chư Đăng Ya có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất sản xuất nhiều nhất huyện Chư Pah. Toàn xã có 80 hộ cho thuê đất sản xuất với tổng diện tích gần 27 ha. Sau khi cho thuê đất, nhiều hộ đã có tiền xây nhà mới, mua xe máy, ti vi nhưng cuộc sống lại lâm vào cảnh khó khăn. Không ít người phải đi làm thuê ngay chính trên diện tích đất mà mình đã cho thuê. Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, cho biết: “Trong 80 hộ cho thuê đất thì có khoảng 5 hộ không còn đất để sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Chính quyền địa phương đã cùng các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con không cho thuê đất. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tương đối phức tạp”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nay Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: Chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế tình trạng sang nhượng và cho thuê đất sản xuất nhằm giữ đất cho bà con. Huyện cũng đã nghiêm cấm cho thuê đất sản xuất trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng đối với diện tích đất đã cấp cho dân theo các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, huyện quyết tâm thu hồi trả lại cho bà con để sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân cho thuê hoặc sang nhượng đất bằng giấy viết tay, bằng miệng mà không thông qua chính quyền địa phương. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như rất khó giải quyết nếu như có sự tranh chấp giữa hai bên.

“Chúng tôi cũng đã thành lập đoàn công tác xuống tuyên truyền, vận động ở các xã có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng và cho thuê đất sản xuất để giúp người dân ổn định sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, chúng tôi giao Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai các mô hình, cấp hỗ trợ cây-con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân canh tác có hiệu quả trên mảnh đất của mình. Ngoài ra, huyện cũng đã giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng cho thuê và sang nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Nay Kiên cho biết thêm.

Tường Vy

Có thể bạn quan tâm