(GLO)- Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Chư Pah gieo trồng 1.851 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa nước 1.526 ha, rau xanh 260 ha, bắp 65 ha… Tính đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã cơ bản xuống giống xong diện tích lúa nước và tập trung vào việc chăm sóc.
Nông dân xã Chư Jôr (huyện Chư Pah) tích cực chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: G.H |
Tại cánh đồng Chư Jôr (xã Chư Jôr), khoảng 300 ha lúa nước đã được nông dân xuống giống xong. Nơi đây có công trình thủy lợi Tân Sơn phục vụ đủ nước cho sản xuất. Được biết, thủy lợi Tân Sơn có năng lực tưới 450 ha cho các cánh đồng các xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya, Nghĩa Hưng. Tuy nhiên, tại một số khu vực, hệ thống kênh dẫn nước không tới được, người dân sản xuất tương đối khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nước trời và phải dùng máy bơm tưới.
Ông Đinh Văn Hoa (trú tại thôn 3, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) xuống giống hơn 3 sào lúa tại cánh đồng Chư Jôr cho hay: “Chúng tôi sản xuất khu vực xa công trình thủy lợi và chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước về tới từng cánh đồng. Chúng tôi phải thường xuyên thức đêm để canh nước và dùng máy bơm hút nước về ruộng”. Ông Nguyễn Hồng Lanh (trú tại thôn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) cho biết thêm: “Gia đình tôi có hơn 5 sào lúa nước 2 vụ tại cánh đồng này, sản xuất nhiều năm nay nhưng chi phí cao nên thu nhập bao nhiêu. Chúng tôi chủ yếu làm lấy rơm cho bò ăn và có thêm ít lúa gạo để phục vụ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr cho biết: Vụ Đông Xuân này trên địa bàn xã có hơn 300 ha lúa nước. Nhưng thực tế người dân trong xã chỉ sản xuất khoảng 97 ha, diện tích còn lại của người dân ở các xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Chư Đăng Ya, Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), Tân Sơn (TP. Pleiku) qua canh tác. Từ khi công trình thủy lợi Tân Sơn được đưa vào sử dụng đã đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa nước 2 vụ trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân gieo trồng đúng lịch thời vụ, sản xuất ổn định, nâng cao năng suất lúa, tạo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn một số thửa đất trồng lúa 1 vụ thuộc khu vực bán ngập, chủ yếu phụ thuộc nước trời, năng suất không ổn định, do đồng bào dân tộc thiểu số của xã sản xuất. Địa phương đang tìm phương thức giúp người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu hoặc quy hoạch thành những ao nuôi cá để có thu nhập ổn định hơn.
Năm nay, mùa mưa kết thúc muộn nên nguồn nước tại các công trình thủy lợi và các suối đến thời điểm này dồi dào hơn những năm trước. Ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho hay: Qua kiểm tra các công trình thủy lợi, mực nước đang ổn định, chưa có hiện tượng thiếu nước tưới. Vào thời điểm này năm trước, mực nước đã giảm khoảng 40%. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, trước tình hình biến đổi khí hậu, có thể xảy ra thiếu nước trong vụ Đông Xuân. Để đảm bảo sản xuất, hạn chế thiệt hại do nắng hạn, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không gieo trồng ở những vùng có diện tích thường xuyên bị hạn, không chủ động được nguồn nước tưới và giảm khoảng 150 ha lúa nước so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán, ông Tuấn cho biết thêm: Cơ quan chuyên môn đã triển khai tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa nước tại các chân ruộng thiếu nước và có khả năng thiếu nước vào cuối vụ; có thể chuyển diện tích này sang trồng rau xanh và đậu đỗ các loại. Đồng thời, vận động nhân dân tích trữ nước trong ao, hồ, nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi; xây dựng phương án điều tiết nguồn nước tưới, lịch tưới cho từng cánh đồng một cách hợp lý, tránh tranh giành nước tưới giữa cây trồng ngắn ngày và dài ngày; ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, gia súc, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày.
Gia Hưng