Chư Prông: Củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai) ngày càng được quan tâm đầu tư và hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Huyện Chư Prông có 19 Trạm Y tế xã với tổng số 110 giường bệnh, trong đó có 12/19 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong tổng số 108 cán bộ y tế công tác tại tuyến xã có 18 bác sĩ; mỗi thôn, làng đều có nhân viên y tế. Thời gian qua, hệ thống trạm y tế đã triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh tại địa phương và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế-dân số. Mạng lưới y tế cơ sở của huyện ngày càng được đầu tư, củng cố, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo thống kê, 9 tháng năm 2018, có gần 38.000 lượt bệnh nhân đến khám-chữa bệnh tại các trạm y tế xã (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2017). 
 Bác sĩ Trạm Y tế xã Ia Boòng khám cho bệnh nhi. Ảnh: T.D
Bác sĩ Trạm Y tế xã Ia Boòng khám cho bệnh nhi. Ảnh: T.D
Bác sĩ Võ Hoài Long-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông-cho biết: Huyện có 16/19 trạm y tế có bác sĩ trực thường xuyên hoặc tăng cường từ Trung tâm Y tế huyện về. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các trạm y tế xã phát huy năng lực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc khám-chữa bệnh thường xuyên thì tuyến y tế cơ sở còn phải làm tốt công tác quản lý những bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên cử bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên… đi đào tạo chuyên môn để từng bước hướng đến mô hình bác sĩ gia đình. Trong công tác phòng-chống dịch bệnh, các trạm y tế xã luôn chủ động giám sát phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng. Nhờ đó, 9 tháng năm 2018, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện được kiểm soát. Đối với khu vực nông thôn nói chung không có các ổ dịch lớn, các ca bệnh đơn lẻ được khoanh vùng xử lý kịp thời. Các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng-chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, phòng-chống suy dinh dưỡng… được các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm. “Chúng tôi đã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho các trạm y tế xã để triển khai thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Hiện ở 181 thôn, làng trên địa bàn huyện đều đã có nhân viên y tế. Đội ngũ này hoạt động rất tốt, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay.
Trạm Y tế xã Ia Boòng là một trong những đơn vị làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trạm được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, có 5 cán bộ y tế có chuyên môn, trong đó có 1 bác sĩ. Trạm gồm có 10 phòng chức năng và các công trình phụ trợ đã đảm bảo công tác khám-chữa bệnh cũng như giảm kinh phí đi lại cho người dân. Ông Hồ Văn Thiết-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Ia Boòng-thông tin: “Trạm thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn các vấn đề về sức khỏe, bảo hiểm y tế. Chúng tôi cũng cử cán bộ xuống tận địa bàn dân cư để tuyên truyền về phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đã được Trạm triển khai theo đúng kế hoạch”. Chia sẻ với P.V, chị Siu Phyong (làng Klũh, xã Ia Boòng) nhận xét: “Mình và người trong làng mỗi lần bị đau đều đến Trạm Y tế xã để điều trị. Trạm rất sạch sẽ và thoáng mát, lại được bác sĩ khám đúng bệnh nên uống thuốc xong nhanh khỏe lắm. Lúc nào bị đau nặng quá thì mình mới lên huyện, lên tỉnh chữa bệnh. Mà mỗi lần đi xa như vậy hết nhiều ngày và tốn kém lắm”.  
Đặc biệt, tại các trạm y tế xã đều có vườn thuốc Nam. Việc phát triển các vườn thuốc Nam không chỉ góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới mà còn phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian có giá trị, bảo tồn các giống cây thuốc quý. Từ vườn thuốc Nam tại các trạm y tế xã, cán bộ y tế cùng với chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân tự làm vườn thuốc Nam, trồng các loại cây thuốc dễ kiếm được xung quanh vườn nhà để sử dụng khi cần thiết.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh; phân công cán bộ thường xuyên xuống cơ sở theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của trạm y tế và tình hình dịch bệnh sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng... để có hướng chỉ đạo và xử lý kịp thời; tiếp tục triển khai phần mềm thanh toán đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế cho các trạm y tế xã; thực hiện công tác đào tạo cán bộ để nâng cao kiến thức chuyên môn”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông cho biết thêm.
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm