Chư Prông: Phấn đấu xây dựng xã điểm nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “2 xã điểm của huyện Chư Prông là Bàu Cạn và Ia Drăng đã lỡ hẹn cán đích chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Hiện nay, ngoài nỗ lực phát huy tiềm năng nội tại, huyện đang hỗ trợ cho 2 xã này để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay”-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Nguyễn Anh Dũng nêu quyết tâm.

 Nông dân xã Ia Drăng chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: V.N
Nông dân xã Ia Drăng chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: V.N

Huyện Chư Prông có 19 xã và 1 thị trấn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã chọn 2 xã là Bàu Cạn và Ia Drăng để xây dựng xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện, đến cuối năm 2015, cả 2 xã trên vì nhiều lý do khách quan nên đều lỡ hẹn vì mỗi xã vẫn còn một trong 19 tiêu chí chưa đạt mà phải đưa vào kế hoạch phấn đấu hoàn thành cuối năm 2016.

Theo ông Hà Đình Dương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, tiêu chí cuối cùng mà xã Bàu Cạn còn dang dở đó là tuyến đường liên thôn cấp phối dài gần 7 km từ thôn Đoàn Kết đến Tây Hồ chưa được nâng cấp trải nhựa. Tuyến đường liên thôn này dài nên nhân dân chưa đủ khả năng chung sức cùng Nhà nước đầu tư mà cần có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách. Trong khi đó, xã Ia Drăng vẫn còn 327 hộ nghèo theo tiêu chí mới trong tổng số 2.163 hộ toàn xã, chiếm 15,12% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 65,44% (214 hộ). Đây là vấn đề khó không thể một sớm một chiều để vực xã Ia Drăng đạt tiêu chí hộ nghèo dưới 9%, cho nên đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy lao động thoát nghèo là rất quan trọng.

Cũng cần nói thêm, Chư Prông là huyện thuộc top giữa về phát triển kinh tế-xã hội so với các huyện, thị xã trong toàn tỉnh nhưng mặt bằng chung đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Ngoài thị trấn Chư Prông, đến nay huyện chỉ có 2 xã đạt 18 tiêu chí là Bàu Cạn và Ia Drăng; 16 xã đạt từ 10 đến 17 tiêu chí; Ia O là xã đạt thấp nhất với 9 tiêu chí. 8 tháng năm 2016, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới khoảng 71 tỷ đồng nhưng chủ yếu là nguồn vốn ngân sách (nguồn vốn trực tiếp từ chương trình 11,351 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 42,28 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng 12,29 tỷ đồng) còn lại vốn dân góp chỉ 5 tỷ đồng. Cho nên đến tháng 8-2016, toàn huyện chỉ có 3 xã tăng thêm 2 tiêu chí và 3 xã tăng thêm 1 tiêu chí.

Khó khăn là vậy nhưng điều đáng quý là trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Prông, trong đó có xã Bàu Cạn, Ia Drăng đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như: đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông, hỗ trợ bò, dê giúp hộ nghèo, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và vệ sinh môi trường... Bên cạnh đó, xã Bàu Cạn và Ia Drăng đã chủ động lồng ghép một số chương trình cũng như huy động sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp để giúp địa phương ổn định an ninh trật tự, phát triển sản xuất nâng cao đời sống.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Nguyễn Anh Dũng, trước mắt huyện xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí từ đấu giá đất để xây dựng tuyến đường liên thôn của xã Bàu Cạn trong năm 2016. Đối với xã Ia Drăng, huyện tiếp tục rà soát phân loại hộ nghèo. Nếu thiếu đất thì tập trung tăng cường mô hình chuyển đổi chăn nuôi, nếu không có kỹ năng thì cán bộ cơ sở giúp hướng dẫn chuyên môn năng lực sản xuất cho người dân, nếu thiếu vốn thì có phương án giúp dân vay vốn trong điều kiện thuận lợi nhất... “Đây cũng là nhiệm vụ chung cho toàn huyện không riêng gì xã Bàu Cạn và xã Ia Drăng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện tốt chương trình này sẽ có hiệu ứng tích cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tác động đến đời sống người dân nông thôn. Ngược lại, nếu không làm tốt, nóng vội, duy ý chí sẽ dẫn đến sự không đồng thuận trong nhân dân”-ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

 Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm