(GLO)- Chư Pưh (Gia Lai) là huyện có địa hình rừng núi phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Vì vậy, huyện đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020.
Huyện Chư Pưh hiện có hơn 21.100 ha đất lâm nghiệp, phân bố ở 6 xã, trong đó trên 13.600 ha là đất có rừng, chủ yếu là cao su, keo, bạch đàn. Diện tích rừng có thảm thực bì dưới tán dày, phát triển mạnh, thực vật đa số là cây rụng lá, độ khô cao. Theo nhận định của ông Phạm Văn Đạo-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, nguyên nhân gây ra cháy rừng chủ yếu do con người sử dụng lửa bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất, dùng lửa trong rừng, đốt nương làm rẫy, đốt cây tìm mật ong… trong các tháng cao điểm mùa khô. Mặt khác, cuộc sống của người dân sống vùng ven và gần rừng còn khó khăn, một số chủ rừng chưa tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Huyện Chư Pưh tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy rừng. Ảnh: N.T |
Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh đã chủ động ban hành phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, đơn vị xây dựng, diễn tập các phương án chữa cháy rừng tại các khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ cháy cao; hướng dẫn các chủ rừng và người dân cách đốt dọn thực bì đúng cách, chăm sóc rừng trồng; đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Lực lượng Kiểm lâm cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hạt Kiểm lâm huyện đã thành lập tổ liên ngành với 10 thành viên, 13 Ban chỉ huy phòng-chống cháy rừng tại 6 xã có rừng nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra cháy theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức 80 đợt tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng với hơn 400 lượt người tham gia; tuyên truyền lưu động 10 buổi tại 6 xã có rừng. Thực hiện các hình thức tuyên truyền bằng loa tại khu dân cư, các buổi họp dân, lồng ghép vào các cuộc họp khác của xã, thôn về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Cán bộ kiểm lâm cũng tăng cường hướng dẫn chủ rừng thiết kế các băng cản lửa bao quanh nhằm ngăn chặn cháy lan khi đốt dọn thực bì để trồng rừng.
Ông Phạm Đức Ngọc-Bí thư Đảng ủy xã Ia Blứ-cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 320 ha rừng dễ cháy. Khi xảy ra cháy rừng, việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rất khó khăn vì xa khu dân cư, không có nguồn nước… Vì vậy, chính quyền xã đã phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn người dân đốt dọn thực bì đúng kỹ thuật, không để xảy ra cháy rừng. Qua đó, nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã được nâng cao. Người dân đều nhiệt tình, sẵn sàng cùng các lực lượng chức năng tham gia ứng phó khi có cháy rừng xảy ra”.
Đặc biệt, trong mùa khô hanh, Hạt Kiểm lâm huyện đảm bảo 100% quân số túc trực 24/24 giờ để chủ động lực lượng tham gia hỗ trợ chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra. Hạt cũng thường xuyên rà soát, xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng.
“Trong điều kiện thời tiết hanh khô kéo dài, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy rừng là rất quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao ý thức của mọi người trong việc chấp hành các quy định về phòng-chống cháy rừng. Bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng thì cần có sự chung tay của toàn dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng-chống cháy rừng, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả. Qua đó, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện nhấn mạnh.
NGỌC THU