Chư Pưh với mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, các trường Mẫu giáo trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm. Mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh.

Năm học 2017-2018, bậc học Mầm non huyện Chư Pưh có 10 trường với 3.974 trẻ, trong đó có 1.920 trẻ người dân tộc thiểu số. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, các trường Mẫu giáo trên địa bàn huyện đã đầu tư phát triển môi trường dạy học đa dạng, trong đó phải kể đến môi trường ngoài lớp học như: bộ đồ chơi cát nước, sân bóng đá, sân bóng rổ, xích đu, bập bênh... cùng nhiều đồ chơi phát triển vận động được các cô sáng tạo từ phế liệu nhằm giúp các bé thỏa sức vui chơi, khám phá... từ đó phát triển tư duy sáng tạo và khả năng vận động. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh còn tạo ra môi trường trong lớp với những góc chơi di động, trong đó bổ sung thêm góc thư giãn, góc thực hành cuộc sống.

 

Học sinh Mầm non được quan tâm giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: L.T
Học sinh Mầm non được quan tâm giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: L.T

Theo ông Lê Hồng Mạnh-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Pưh, đây là năm thứ 2 ngành GD-ĐT huyện triển khai chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề này, Phòng GD-ĐT huyện đã tổ chức cho các giáo viên tham gia các lớp tập huấn, tham quan một số mô hình trường học làm điểm trong “Xây dựng môi trường giáo dục làm trung tâm” ở các huyện khác trong tỉnh. “Đặc biệt, vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” ở bậc Mầm non. Hội thi nhằm giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí lớp, xây dựng môi trường lớp học đẹp, thân thiện, bảo đảm cho các hoạt động của cô và trẻ trên lớp theo chủ đề, thu hút trẻ đến trường lớp. Đây cũng là một trong những biện pháp để duy trì sĩ số đạt hiệu quả. Hội thi cũng là dịp để giáo viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, phát huy tối đa mọi tiềm năng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”-ông Mạnh cho biết.

Cô Nguyễn Thị Diễm-giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Chư Don), người trực tiếp tổ chức các hoạt động dạy học cho trẻ, chia sẻ: “Là một giáo viên, tôi rất tâm đắc với mô hình “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Với mô hình này, trẻ được trực tiếp trải nghiệm trong quá trình tham gia các hoạt động trong lớp và ngoài lớp học. Chính vì vậy, tôi luôn xây dựng các hoạt động và học tập phù hợp với nhận biết của từng lứa tuổi, giúp trẻ hứng thú tham gia trò chơi vận động, hoạt động tham quan, quan sát môi trường, thiên nhiên, chăm sóc cây xanh, vườn rau..., tạo cơ hội cho trẻ tự do khám phá một cách tự nhiên, hứng thú và sáng tạo. Ngoài ra, tôi còn đặt nhiều câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ, giải quyết vấn đề. Từ đó, hình thành tư duy cho trẻ trong môi trường giao tiếp”.

Cô Nguyễn Thị Thu-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca, chia sẻ: “Là trường ở vùng đặc biệt khó khăn với 100% học sinh dân tộc thiểu số, để xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chúng tôi đã vận động các bậc phụ huynh cùng giáo viên trong trường thu gom lốp xe, chặt tranh tre, nứa lá dựng nên nhà văn hóa của bé, phiên chợ quê và khu phát triển vận động, trong đó có sân bóng đá, những chiếc xích đu hay những chiếc xe xinh xắn được làm bằng lốp xe để trẻ vận động và trải nghiệm. Từ đó, trẻ phát triển toàn diện, hình thành các kỹ năng sống. Với những lợi ích thiết thực, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình này vào những năm học tới”.

Điều đáng ghi nhận trong việc triển khai mô hình này ở huyện Chư Pưh là bên cạnh việc phát huy nội lực của ngành GD-ĐT, bản thân các trường đều tích cực trong việc huy động sự đóng góp của nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh. Chị Lê Thị Hà-phụ huynh học sinh Trường Mẫu giáo Họa Mi (thị trấn Nhơn Hòa) cho biết: “Tôi thấy mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có ý nghĩa rất lớn, môi trường học tập không chỉ dừng lại trong lớp học mà còn mở rộng ra cả ngoài phạm vi lớp học. Sau khi được đóng vai người bán hàng trong “Phiên chợ quê của bé”, cháu học được nhiều kỹ năng giao tiếp trong hoạt động này. Con tôi và các bạn đều rất hứng  thú, chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, ở đây trẻ được trải nghiệm theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”.

Sau gần 2 năm triển khai chuyên đề, diện mạo các trường Mẫu giáo trên địa bàn huyện Chư Pưh đã có nhiều khởi sắc. “Những năm học tới, ngành GD-ĐT huyện Chư Pưh sẽ tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để không ngừng nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ”-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh khẳng định.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm