(GLO)- Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) nỗ lực tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập.
Sau khi hơn 8 sào hồ tiêu bị chết, năm 2016, anh Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa) đã chuyển đổi sang trồng mít Thái. Anh cho hay: “Chỉ sau 18 tháng xuống giống, mít bắt đầu ra quả, mỗi cây 5-6 quả, mỗi quả đạt trọng lượng 6-10 kg, thậm chí có quả đến 20 kg. Thương lái tìm đến vườn để thu mua với giá 25-30 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, vườn mít cho thu hoạch 2 lần, sản lượng đạt khoảng 42 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 500 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, tôi tiếp tục trồng thêm 600 cây mít Thái xen với bơ trên diện tích 1,3 ha”.
Thị trấn Nhơn Hòa hiện có hơn 20 ha mít Thái đã cho thu hoạch. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn, phần lớn người dân địa phương vẫn gắn bó với nghề nông. Vì vậy, muốn nâng cao đời sống cho nhân dân phải có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, thị trấn đã định hướng cho người dân hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
“Trên địa bàn hiện có hơn 105 ha cây ăn quả. Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời, khảo nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để tiến tới hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang tính hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm”-ông Tuấn cho biết.
Anh Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa) thu nhập cao từ vườn mít Thái. Ảnh: Mai Ka |
Việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường là một trong những giải pháp được huyện Chư Pưh tích cực triển khai trong thời gian qua để giúp nông dân vượt qua khó khăn. Đến nay, huyện đã chuyển đổi được hơn 1.700 ha hồ tiêu chết sang trồng các loại cây ăn quả.
Ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn theo chuỗi giá trị, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển giống cây trồng chủ lực và lấy ý kiến tham khảo của người dân cũng như mời chuyên gia xác định thị trường tiêu thụ ổn định để sản xuất. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tập trung triển khai trồng mít Thái, xoài Úc tại 2 xã Ia Le và Chư Don; hướng dẫn mỗi xã quy hoạch một vùng chuyên canh tập trung để xây dựng chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo hướng VietGAP và trồng cây dược liệu phù hợp với nhu cầu thị trường.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Trần Dung |
Trong năm 2020, tại huyện Chư Pưh, 6 đơn vị đăng ký thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm cây bơ của Công ty TNHH Phúc Thiên (xã Ia Rong); dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nấm bào ngư của Hợp tác xã Nông nghiệp 81 (thị trấn Nhơn Hòa); dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm sầu riêng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ); dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chanh dây của Hợp tác xã Thành Đạt (xã Ia Hla)...
Về dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP”, huyện đã hoàn thành việc cấp cây giống cho các hộ đăng ký tham gia mô hình năm 2020 với diện tích 10,5 ha (5 ha bưởi và 5,5 ha cam).
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập bản đồ thổ nhưỡng trên địa bàn. Sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết, chúng tôi tiến hành ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện dự án. Hiện nay, đơn vị tư vấn thực hiện hợp đồng đã triển khai xong công tác lấy mẫu đất tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để tìm loại cây trồng phù hợp nhất. Việc này sẽ góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân”.
MAI KA