Chư Sê: Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam về vật chất lẫn tinh thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài. Vì vậy, những năm qua, Chư Sê đã chú trọng nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Ông Nguyễn Xuân Thủy- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Chư Sê cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Chăm sóc giúp đỡ Nạn nhân chất độc da cam” đạt khá. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã vận động được hơn 1 tỷ đồng (trong đó hội vận động được 658 triệu đồng; 15 xã, thị trấn vận động được 345 triệu đồng). Tính chung hơn 2 năm qua, toàn huyện đã chi cho việc tổ chức thăm tặng quà, hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ vay vốn chăn nuôi, đưa nạn nhân đi xông hơi giải độc và trợ cấp khó khăn đột xuất với số tiền gần 1,1 tỷ đồng”.

Chư Sê có gần 1.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam (chủ yếu là người hoạt động kháng chiến và nhân dân ở các vùng căn cứ kháng chiến, vùng bị phun rải chất độc nhiều lần). Trong đó, có 485 gia đình với trên 600 người là nạn nhân, 70 gia đình có từ 2 đến 4 nạn nhân. Từ năm 2015 đến nay, nhân các ngày lễ tết, Chư Sê đã tổ chức đến thăm, tặng 1.217 suất quà trị giá 377,5 triệu đồng; hỗ trợ làm mới 3 nhà cấp 4 diện tích từ 36m2 đến 50m2 cho 3 gia đình nạn nhân chất độc da cam trị giá 155 triệu đồng. Từ năm 2012 đã có 25 gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò sinh sản với số tiền 350 triệu đồng từ nguồn quỹ hội. Đã có 7 gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vay vốn đã thoát nghèo bền vững; 16 gia đình nạn nhân chất độc da cam đang được Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin – từ CH Pháp (Vned) nhận hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên với số tiền từ 5 đến 5,4 triệu đồng/năm cho 1 nạn nhân; phối hợp với Trung tâm của Tỉnh hội đã đưa 49 cán bộ hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam đi xông hơi tẩy độc và trên 90% cán bộ hoạt động kháng chiến đi xông hơi giải độc về đều có tiến bộ về sức khỏe, nhiều bệnh mãn tính đã ổn định, chất lượng cuộc sống tốt hơn…

Sự giúp đỡ của xã hội giúp nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam có thêm niềm tin và nghị lực sống. Ảnh: Mai Ka
Sự giúp đỡ của xã hội giúp nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam có thêm niềm tin và nghị lực sống. Ảnh: Mai Ka

“Qua 2 năm nhìn lại có nhiều việc đã làm được, làm tốt cả về nhận thức và hành động của các cấp các ngành, đoàn thể. Chất lượng sống về vật chất và tinh thần của Nạn nhân chất độc da cam và gia đình được cải thiện, nâng cao. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động với tinh thần trách nhiệm “Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam” để tổ chức hội thực sự trở thành cầu nối truyền tải mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chăm sóc giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương đến với nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam để họ có thêm niềm tin và nghị lực tự khẳng định mình, vươn lên trong cuộc sống”- ông Nguyễn Xuân Thủy- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Chư Sê cho biết thêm.

Mai Ka

 

Có thể bạn quan tâm