Chư Sê tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Sê đã tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chấn chỉnh vi phạm

Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bên cạnh một số điểm tích cực thì với những biến tướng khác nhau, hoạt động này đã gây ra những dư luận không tốt trong xã hội, tạo áp lực cho cả người học, người dạy và công tác quản lý của các cấp.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết văn bản phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm với UBND huyện Chư Sê. Ảnh: T.D
Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết văn bản phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm với UBND huyện Chư Sê. Ảnh: T.D

Trao đổi với P.V, ông Ngô Xuân Hiếu-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, cho biết: Ngay từ đầu năm học 2017- 2018, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm kịp thời phát hiện sai phạm; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của giáo viên, học sinh. Chúng tôi xác định phải quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm ngay từ đầu năm học để tránh những tiêu cực không đáng có và để hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.   

Toàn huyện Chư Sê hiện có 68 giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (trong đó có 54 giáo viên bậc THCS và 14 giáo viên bậc THPT); có 24 cơ sở được cấp phép dạy thêm, học thêm (trong đó có 13 cơ sở do Phòng GD-ĐT cấp phép và 11 cơ sở do Sở GD-ĐT cấp phép). Thời gian qua, công tác quản lý, chỉ đạo của Phòng GD-ĐT đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn được thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả, từ khâu hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép dạy thêm cho giáo viên đến việc đôn đốc, kiểm tra hoạt động này. Đến nay, Phòng GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra các cơ sở dạy thêm, học thêm ở các nội dung như: giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm; việc thu, chi tiền dạy thêm, học thêm; cơ sở vật chất dạy thêm, học thêm… Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý 2 giáo viên vi phạm.

Song song với đó, các tổ chức, cá nhân đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường đã thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác dạy thêm, học thêm. Các đơn vị trường học trên địa bàn còn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác dạy thêm, học thêm; tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh không vi phạm các quy định dạy thêm, học thêm. “Việc cho con em mình tham gia học thêm tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường cũng khiến tôi đắn đo rất nhiều. Con tôi tiếp thu kiến thức mới còn chậm. Dù muốn dạy kèm cho con nhưng tôi không đủ thời gian và khả năng. Vì vậy, tôi đã cho con đi học thêm. Sau một thời gian theo học, thấy học lực của con tiến bộ hơn hẳn, tôi rất an tâm và tin tưởng”-chị Nguyễn Thị Minh (tổ dân phố 6, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) chia sẻ.   

Tăng cường phối hợp quản lý

Nhằm thực hiện hiệu quả Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm và Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã phối hợp với UBND huyện Chư Sê tổ chức ký kết văn bản phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện. “Đây là một điểm mới trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Giáo viên trực tiếp ký kết với Hiệu trưởng; Hiệu trưởng ký kết với Phòng GD-ĐT; UBND huyện ký kết với Sở GD-ĐT. Việc ký kết văn bản phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm này sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, mang lại môi trường dạy thêm, học thêm lành mạnh và tích cực”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê Ngô Xuân Hiếu cho biết thêm.

 

Bà Kpuih H’Blê-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: “Trên cơ sở sự đồng thuận của gia đình và giáo viên, việc dạy thêm, học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Chúng ta cần khuyến khích những mặt tốt cũng như kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm của hoạt động dạy thêm, học thêm. Mặt khác, chúng ta cần phối hợp tuyên truyền nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức toàn ngành và toàn xã hội về vấn đề dạy thêm, học thêm. Vì một môi trường giáo dục nghiêm túc và lành mạnh, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân cùng tăng cường công tác giám sát, phát hiện và đấu tranh với việc dạy thêm trái quy định”.

Văn bản ký kết nêu rõ các nguyên tắc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, việc dạy thêm nhằm góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; không cắt giảm chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh tham gia học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đã đăng ký… Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, Phòng GD-ĐT và thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý, giám sát những cơ sở được cấp phép và phát hiện, kiểm tra những cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm không có giấy phép, kịp thời báo cáo những sai phạm để loại bỏ tối đa những tiêu cực trong hoạt động này.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm