Phóng sự - Ký sự

Chư Tan Kra: Các anh đã hòa cùng mây trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 200 sinh viên từ Hà Nội vào đại ngàn Tây Nguyên. Chư Tan Kra – cao điểm với cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng từng là một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất trong thời kỳ chống Mỹ. Và, những người lính ấy đã ngã xuống để giữ bình yên cho mỗi tên đất, tên làng. Các anh đã vĩnh viễn gửi xương máu của mình vào đất, nằm lại nơi đại ngàn đầy nắng gió. Các anh đã ngã xuống cho sự sống được sinh sôi, các anh đã viết nên những trang lịch sử hào hùng, là khúc tráng ca giữa mênh

Tháng 3, Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Từ TP. Kon Tum, chúng tôi ngược lên Sa Thầy. Con đường nhựa chạy dài ngoằn ngoèo trên cao nguyên lộng gió, với những rừng cao su thẳng tắp hun hút, những rẫy café nở bung hoa trắng, những đồi cây trái xanh ngát trên nền đất đỏ bazan, chói chang trong nắng. Nghĩa trang Sa Thầy bình yên dưới rặng thông. Các anh nằm đó, giữa mênh mông núi rừng hùng vĩ và bình yên. Giữa đất trời khoáng đạt, các anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ, trong niềm thanh thản và bình yên.

Đỉnh Chư Tan Kra hiên ngang sừng sững, màu xanh cây cối đã phủ kín những vết sẹo chiến tranh, gói ghém những bi tráng trong lòng đất đỏ. Nhưng, nơi đây, đã ghi dấu chiến công, chứng kiến sự anh dũng và vẫn lưu giữ những kỷ vật của đội “lính mũ sắt” - những sinh viên Hà Nội lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những người lính từ Thủ đô hành quân tới Hà Tĩnh, qua đất Lào, Campuchia để vào Việt Nam, qua ngã 3 Đông Dương, chiến đấu giải phóng Tây Nguyên, làm bàn đạp tấn công giải phóng Sài Gòn.

Nhiều liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy.

Nhiều liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Sa Thầy, di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra tọa lạc ở địa bàn xã Ya Xier, huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), tại đây, từ tháng 3 đến tháng 6/1968, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209, Sư đoàn 1, Mặt trận Tây Nguyên đã chiến đấu với Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 (Mỹ - Ngụy) trên đỉnh núi Chư Tan Kra và các dãy núi xung quanh như Chư Toác, Chư Tăng An, Chư Gor Tông..., thuộc huyện Sa Thầy. Mùa xuân năm 1968, chiến trường Kon Tum bước vào giai đoạn cao trào, hàng loạt trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và địch đã diễn ra trên ngọn núi này, điển hình như trận đánh ngày 21/3 và ngày 26/3/1968. Ở đây hàng trăm chiến sĩ (phần lớn là con em người Hà Nội) đã hi sinh anh dũng trên ngọn núi Chư Tan Kra.

Trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn 209, Sư đoàn 312”, NXB Quân đội nhân dân - 2004, trang 94, 95 viết: Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở Cao điểm 995 (thuộc núi Chư Tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại Cao điểm 995, Trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của Trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam bộ.

Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. “Vết đạn thủng đầu mũ sắt/ Người hy sinh trong thế tiến công” - dù ngã xuống trước ngày đất nước toàn thắng nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả của các anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Thủ đô.

Du khách thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Du khách thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội), dẫn đoàn chúng tôi vượt hàng nghìn kilômét đến Chư Tan Kra viếng nghĩa trang vào thời điểm sắp đến ngày giỗ chung của các liệt sĩ nơi đây, ngày 26/3. Chị kể: Đã thành lệ, hầu như năm nào chị cũng về Sa Thầy thắp hương. Nơi đây, có liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư là anh con bác ruột của chị. “Anh Thư là tộc trưởng, niềm tự hào của dòng họ. Anh lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc lúc còn là sinh viên. Bố mẹ anh và tất cả mọi người dù bên ngoài đều động viên anh đi nhưng trong lòng ai cũng lo lắng, thắc thỏm. Để rồi ngày nhận tin anh hy sinh, bố mẹ anh gần như ngã quỵ.

Lúc đó, tôi mới 4 tuổi, dù chưa hiểu được hết nỗi đau mà người lớn phải chịu đựng, nhưng những hình ảnh đau đớn lúc đó cứ ám ảnh tôi mãi. Nhất là khi phải sống trong thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt, chứng kiến những mất mát diễn ra quanh mình hằng ngày, chứng kiến bom đạn và cái chết, khiến tôi càng ghi sâu trong tâm trí về sự hy sinh của anh Thư và đồng đội anh” - chị Phượng rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Cả tuổi thơ của mình, chị mang theo niềm tự hào đầy bi thương đó lớn lên và nhủ thầm nhất định phải đi tìm anh, để an ủi phần nào nỗi đau của những người thân. Rồi cuộc sống cuốn đi với bao vất vả, lo toan, lúc nào chị cũng đau đáu với trách nhiệm tự mang đó và quyết tâm hành trình đi tìm anh.

Chị đến nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy, đến các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh Kon Tum, mong tìm thấy một manh mối nào đó về anh. Nhưng, cuộc tìm kiếm gặp quá nhiều khó khăn, vì tất cả những liệt sĩ đã ngã xuống lúc đó đều nằm chung trên đồi, một số người đã tìm được hài cốt, mang về quy tập ở nghĩa trang, phần nhiều là không xác định được danh tính. Một số khác, xác định được danh tính thì không có tên của anh. Nhưng, chị không nản, không chỉ ở Kon Tum, chị đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nghĩa trang ở các tỉnh thành trong cả nước. Chị đến, để thắp nén hương, để được tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những lúc đó, chị cũng mong muốn rằng, nén hương của chị sẽ có cơ hội gửi đến anh trai mình. Với tấm lòng chân thành nhất, chị mong hương hồn các anh hùng liệt sĩ sẽ giúp chị tìm lại được người anh ruột thịt của mình, cũng như những hương hồn liệt sĩ khác chưa được đoàn tụ với người thân, đồng đội, sẽ sớm có cơ hội được trở về.

Rồi chị tìm đến các nhà tâm linh, ngoại cảm. Đằng đẵng nhiều năm trời không mệt mỏi, không nản lòng, cuối cùng, chị cũng đã tìm được nơi anh đang yên nghỉ. Đối với gia tộc chị, đó là ngày niềm vui trở lại trọn vẹn nhất kể từ ngày xảy ra nỗi đau sinh ly tử biệt. Dẫu không đón anh về quê hương, nhưng biết anh đang quây quần, yên nghỉ cùng đồng đội, những người thương yêu anh, cũng cảm thấy ấm lòng.

“Kể từ ngày tìm được anh, hầu như năm nào tôi cũng về Sa Thầy thăm anh và đồng đội của anh. Với tôi, Sa Thầy không còn chỉ đơn thuần là một nghĩa trang liệt sĩ, mà đó là nhà của anh Thư, nhà của các đồng đội anh Thư thì cũng là các anh trai tôi. Tôi về thăm các anh, để thắp nén tâm nhang, với tình yêu thương và tự hào không bờ bến” - chị Phượng nói trong nước mắt.

Ông Lê Xuân Mắn năm nay 60 tuổi. Có nghĩa là, khi các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đỉnh Chư Tan Kra thì ông Mắn vẫn chỉ là cậu thiếu niên. Ông cũng không phải người bản xứ, nhưng đã có duyên đến và sinh sống, lập nghiệp nơi vùng đất đỏ bazan này, nên coi nó là quê hương của mình. Có duyên hơn nữa, khi ông được trao nhiệm vụ trông giữ khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đỉnh Chư Tan Kra.

Người đàn ông đó có dáng người nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn, khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió đại ngàn. Đón chúng tôi đến thăm điểm trưng bày các di vật của liệt sĩ Sa Thầy, ông vui như con chim nhỏ, quẩn quanh không rời. Ông giới thiệu với chúng tôi từng kỷ vật, kể tỉ mỉ như chính mình là người chủ đã từng sở hữu, sử dụng. Dù rằng, trong số hàng trăm kỷ vật còn sót lại, ông chỉ góp một phần nhỏ để tìm ra trong số đó. Một số kỷ vật do tay ông tự vệ sinh, rửa sạch đất cát trước khi đưa vào tủ bảo quản. Ông nâng niu, coi nó như kỷ vật của mình, của người thân thích ruột thịt đã đi xa của mình.

Di vật của các anh hùng liệt sĩ được tìm thấy trên đỉnh Chư Tan Kra.

Di vật của các anh hùng liệt sĩ được tìm thấy trên đỉnh Chư Tan Kra.

Ông nói say sưa như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. “Vẫn biết đường sá xa xôi, núi rừng cách trở, nhưng vì không có các đoàn về Sa Thầy thường xuyên, nên mỗi lần có khách lên thăm các anh hùng liệt sĩ, tôi vui lắm. Vui vì các anh được mọi người nhớ đến, được an ủi. Vui vì có dịp được giới thiệu với mọi người về câu chuyện hy sinh anh dũng của các anh qua những kỷ vật đã gãy nát, hoặc mủn rách vì nhiều năm nằm trong lòng đất chịu nắng gió.

Những kỷ vật đó, nó là một phần của những người lính, cũng là một phần trong cơ thể của đất rừng Tây Nguyên, là một phần xương máu trong hình hài đất nước. Để mọi người luôn nhớ đến một Chư Tan Kra đầy bi thương nhưng kiêu dũng, luôn vững vàng án giữ nơi miền phên giậu, để giữ trọn từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi chỉ có mong ước giản dị, đó là giờ giao thông đã thuận lợi, đường sá đã thông thoáng, sẽ được đón nhiều, thật nhiều đoàn đến Sa Thầy thăm cách anh hùng liệt sĩ” - ông Mắn xúc động chia sẻ.

Tâm sự của ông Mắn, cũng là tâm sự của chị Phượng và thân nhân các anh hùng liệt sĩ, của rất nhiều người dân Sa Thầy. Trận đánh năm 1968 của những chàng trai Hà Nội tuổi đôi mươi với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội. Dù không có mặt trong ngày đất nước toàn thắng, nhưng những hy sinh của các anh cho ngày hạnh phúc ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Thủ đô, người dân Tây Nguyên và nhân dân cả nước.

Đất nước ghi công các anh, nhân dân thương yêu các anh, đất Tây Nguyên ôm ấp, che chở các anh, nhưng vẫn cần nhiều hơn sự lan tỏa, để nhiều người thế hệ sau biết về các anh hơn, đến với các anh, không để địa hình rừng núi chia cắt tình cảm và lòng tri ân của các thế hệ. Thay cho lời kết, xin được dẫn mấy câu trong trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” của nhà thơ Lữ Mai: “Cứ ngửa mặt nhìn trời/ Sẽ gặp đoàn quân tỏa vào xanh thẳm/ Nhưng còn đó bao nhiêu câu hỏi...”.

“Lính mũ sắt” là một trong những đơn vị được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là đoàn viên và đều là người Hà Nội. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên như cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực, đánh trận giả ở Hòa Bình... đơn vị bộ binh này được trang bị tối đa các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó, như mũ sắt của Liên Xô, là đơn vị đầu tiên được sử dụng B-41 và chuyển quân bằng xe Giải phóng vào chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư Tan Kra ngày 26/3/1968 và không ít người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại dải núi này.

Có thể bạn quan tâm