Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Tích cực trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 14-1, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tội phạm trong tình hình mới. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.

Nâng cao năng lực phòng-chống tội phạm

Ngay khi có Chỉ thị số 48, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiện toàn, hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tập trung chuyên sâu, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên gắn với chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn mô hình bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn làm trưởng ban chỉ đạo cấp xã được xem là bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 48. Hàng năm, cùng với nguồn ngân sách từ Trung ương, tỉnh bố trí một phần hỗ trợ cho công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật cho đội ngũ cán bộ; xây dựng lực lượng chuyên trách phòng-chống tội phạm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các địa phương cũng đã quan tâm đầu tư trang-thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng cho công tác phòng-chống tội phạm; chú trọng bảo đảm chế độ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu và những cán bộ kiêm nhiệm, những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia phòng-chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng-chống tội phạm ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, nhất là phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng giữa lực lượng Công an với Quân đội. Các cơ quan tư pháp tỉnh đã quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, không ngừng nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Qua đó, công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ hơn 6.800 vụ phạm pháp hình sự với hơn 11.800 đối tượng phạm tội; triệt phá 327 nhóm, hơn 1.400 đối tượng; khởi tố hơn 8.000 vụ, hơn 13.400 bị can…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan: “Thực hiện Chỉ thị số 48, Ủy ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên đã triển khai rộng khắp nhiều mô hình điểm ở các tổ dân phố, thôn, làng như mô hình về camera an ninh, tiếng kẻng an ninh, phụ nữ nói không với “tín dụng đen”… và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đồng thời, việc phát huy vai trò người uy tín như: già làng, trưởng thôn, các vị chức sắc tôn giáo ở địa phương cũng giúp công tác phòng-chống tội phạm có nhiều chuyển biến”.

Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cũng cho hay: Càng ngày, niềm tin của người dân vào lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm được nâng cao. Để huy động người dân cùng tham gia, lực lượng Công an cần xử lý nhanh hơn nữa tin báo tội phạm, cần sơ kết, tổng kết, đánh giá, xem xét trách nhiệm của các đơn vị trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Quyết liệt xử lý những vấn đề “nóng”

Thảo luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc trăn trở: “Khi tội phạm công nghệ cao lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng tinh vi, mà lực lượng làm công tác tuyên truyền về vấn đề này vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều người dân vẫn trở thành nạn nhân của các đối tượng phạm tội vì không đề cao cảnh giác trước tội phạm mạng”.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ: “Nhiều nơi, việc nắm bắt thông tin về tội phạm lợi dụng mạng bưu chính viễn thông vẫn còn lúng túng, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều địa phương chưa chú trọng đến việc đảm bảo an toàn mạng, bảo mật thông tin. Các đối tượng ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đe dọa, khủng bố, chống phá Nhà nước… nên các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn nữa”.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho hay: Tội phạm công nghệ cao thường dùng các thủ đoạn cơ bản như giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra… hoặc chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội để lừa đảo với số tiền lớn. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng mạng internet để đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Từ năm 2017, Đội Cảnh sát đấu tranh với tội phạm Công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự được thành lập, đến nay đã phối hợp phá được 4 chuyên án lớn, bắt giữ và khởi tố 47 đối tượng, trong đó có 41 đối tượng liên quan đến các đường dây cá độ bóng đá qua mạng, có đường dây số tiền giao dịch lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đăng Vũ


“Tại địa bàn Gia Lai, việc điều tra, làm rõ loại tội phạm công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về ý thức cảnh giác của người dân chưa cao, trang-thiết bị chuyên dụng liên quan đến vấn đề kỹ thuật, công nghệ để truy vết đối tượng cũng như nhân sự còn hạn chế. Để ngăn chặn, phòng ngừa, triệt phá loại tội phạm này, các cấp, các ngành cần quan tâm tuyên truyền sâu, rộng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng và bố trí nhân lực, đầu tư trang-thiết bị để theo kịp sự phát triển của công nghệ”-Thượng tá Sơn thông tin.

Tội phạm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các đối tượng thanh-thiếu niên cũng khiến nhiều địa phương lo ngại. Bí thư Huyện ủy Đak Đoa chia sẻ: “Tội phạm thanh-thiếu niên trộm cắp, cố ý gây thương tích… ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đáng lo ngại, bởi hiện đối tượng này thiếu việc làm, thiếu sinh kế. Huyện cũng có nhiều phương án tìm liên kết tạo việc làm trong nước cũng như xuất khẩu lao động nhưng tâm lý của người dân không muốn xa địa phương nên gặp nhiều trở ngại”.

Tội phạm ma túy cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Thành phố Pleiku là địa bàn trung tâm, dù các vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa phát hiện các tụ điểm, đầu mối lớn, nhưng tình hình tội phạm ma túy còn nhiều phức tạp. Đáng lo ngại là thực trạng thanh-thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép tại các cơ sở lưu trú, quán bar, karaoke ngày càng gia tăng. Trong khi tỷ lệ tái nghiện cao, nhiều đối tượng ma túy liên quan đến các vụ phạm pháp hình sự, các đối tượng nghiện chưa được kiểm soát hết”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đấu tranh phòng-chống tội phạm của các ngành, đơn vị, địa phương trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 48, xác định công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành thống nhất của UBND tỉnh. Ngoài ra, phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng-chống tội phạm, thực hiện đồng bộ các mặt công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm, tích cực trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử. Ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên các cấp cần tăng cường quản lý, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, thanh-thiếu niên để ngăn chặn, kiểm soát việc gia tăng tội phạm, tệ nạn ma túy”.
 

LÊ VĂN NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm