Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 25-1, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành-Trưởng ban ATGT tỉnh-chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị, tại đầu cầu trụ sở UBND tỉnh còn có các thành viên Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan.
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hạnh thông tin: Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 209 người, 255 người bị thương. So với năm 2020, TNGT giảm 9,47% số vụ (giảm 32 vụ), giảm 3,24% số người chết (giảm 7 người), giảm 16,39% số người bị thương (giảm 50 người). Năm 2021 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh ta kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh phải căng mình phòng-chống dịch Covid-19.
Về nguyên nhân xảy ra TNGT, Đại tá Lê Văn Hà-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho hay: Có đến 93% số vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Công an phải phân chia lực lượng để vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, vừa phòng-chống dịch Covid-19. Trong năm, Công an tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm kết hợp vừa đảm bảo an ninh trật tự và ATGT. Từ đó đã trấn áp hiệu quả nhiều loại tội phạm xã hội và kiềm chế TNGT.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hòa
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hòa
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đã góp phần kéo giảm TNGT trong các tháng cuối năm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ các vấn đề nổi lên trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trong năm qua. Cụ thể, TNGT giảm sâu ở 2 tiêu chí số vụ, số người bị thương nhưng số người chết chỉ giảm 3,24%; trong đó có 7/17 địa phương có số người chết do TNGT tăng, đặc biệt là 3 địa phương có số người chết tăng trên 50% (Kbang tăng 133,33%, Đak Đoa tăng 88,89% và Krông Pa tăng 55,56%). Tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (trên 45%), trong đó, nổi lên tình trạng TNGT trên đường nông thôn tăng. Tai nạn giao thông chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Tình trạng vi phạm quy định về tải trọng phương tiện chưa được xử lý triệt để, nhất là các phương tiện chở vật liệu xây dựng và nông sản trên quốc lộ 25.
Đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết
Đề cập đến tình hình TNGT trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa Phạm Minh Trung nhìn nhận: Trong năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 35 vụ TNGT, làm chết 17 người, bị thương 42 người. Đáng chú ý, số người chết do TNGT tăng đến 88%. Khác với quy luật chung của tỉnh là TNGT trên địa bàn huyện xảy ra hầu hết vào khung giờ làm việc hành chính, 40% số vụ TNGT xảy ra trên hệ thống đường liên thôn, liên xã. “Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự đột phá. Thậm chí, có buổi tuyên truyền chúng tôi kết hợp cả tặng quà để thu hút người dân tới tham gia thì vẫn chỉ đa số phụ nữ, người già đến tham dự, thanh-thiếu niên rất ít tham gia”-ông Trung cho hay.
Còn Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo thì đề cập: “Có 10/15 vụ TNGT xảy ra trên tuyến quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông. 80% số vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số sử dụng phương tiện mô tô phân khối lớn. Trong đó có nguyên nhân do gia tăng tình trạng thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số mua xe phân khối lớn để sử dụng nhưng chưa có giấy phép lái xe”.
Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải phối hợp Đội CSGT-Trật tự Công an huyện Kông Chro kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường Đông Trường Sơn. Ảnh: Lê Hòa
Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải phối hợp Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện Kông Chro kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường Trường Sơn Đông. Ảnh: Lê Hòa
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu giảm TNGT từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2021, trong năm 2022, phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự ATGT cũng như bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý kịp thời các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải và phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh, liên tỉnh. Cùng với đó, tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thủy nội địa; đẩy mạnh đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, phải kiên trì xây dựng văn hóa giao thông và chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Tiếp tục tập trung vận động cá biệt đối với thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm ATGT, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt tại cơ sở của lực lượng Công an xã; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong bảo đảm trật tự ATGT và tăng cường mở các chuyên đề, cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, chữa trị và khắc phục hậu quả TNGT.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm