(GLO)- Trong hai ngày (26 và 27-2), bà PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN- Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đến thăm và làm việc tại Gia Lai. Dịp này Gia Lai online có cuộc trao đổi với Bộ trưởng về các vấn đề liên quan đến chính sách dạy nghề, giảm nghèo và bảo trợ xã hội ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; xin giới thiệu cùng bạn đọc.
- Thưa Bộ trưởng, bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trong những năm vừa qua?
Ảnh: Đinh Yến |
Chính sách đảm bảo chăm sóc cho người nghèo, người DTTS và chính sách dạy nghề là những vấn đề xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đối với DTTS nói chung và đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên nói riêng. Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện những nội dung trên, điển hình như: chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, tạo việc làm có cuộc sống ổn định; chính sách hỗ trợ cho con em DTTS đi học; chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS… Các chính sách này đã góp phần rất đáng kể trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh có đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, ở Tây Nguyên độ chênh lệch giàu nghèo còn khoảng cách lớn. Vì vậy, tôi cho rằng, để thực hiện tốt việc đưa chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, giúp người nghèo nói chung và đồng bào DTTS Tây Nguyên nói riêng giảm nghèo nhanh và bền vững thì ngoài những chính sách hỗ trợ, các địa phương nên thay đổi những phương pháp tổ chức hỗ trợ và thực hiện. Hơn nữa, cần phải triển khai phương pháp hỗ trợ sát với thực tế để các chính sách này phát huy hiệu quả, đối tượng thụ hưởng cũng không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.
- Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị rà soát các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội và dạy nghề vừa được tổ chức tại Gia Lai, một số bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách này đã được các đại biểu kiến nghị, Bộ sẽ có những điều chỉnh bổ sung như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay?
Đúng vậy, có những chính sách ban hành đã lâu, nhiều năm; trong đó có hai loại, những chính sách còn phù hợp nhưng mức hỗ trợ thấp, còn một số chính sách ban hành nhưng không còn phù hợp nữa. Vì vậy, cần phải rà soát cụ thể, sau đó kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi. Ví dụ như chính sách hộ cận nghèo, nên cho người cận nghèo tiếp tục hưởng chính sách từ 2 đến 3 năm sau mới bỏ; hay cho con em hộ cận nghèo vay vốn để họ học chữ, học nghề thêm vài năm nữa.
Hay mức hỗ trợ cho các học sinh đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hiện Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho các đối tượng này tới 16 tuổi nhưng các em mồ côi cha mẹ nên sẽ có sự điều chỉnh tiếp tục hỗ trợ khi các em tự tạo được việc làm, nuôi sống được bản thân. Đồng thời sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ sẽ nâng mức chuẩn nghèo lên cao hơn để đáp ứng với tình hình thực tế hiện nay.
Vấn đề thứ hai để giảm nghèo bền vững không chỉ có chính sách mà phải vận động tự thân để người nghèo tự giảm nghèo. Làm thế nào để họ chủ động được cuộc sống của mình. Khi cho hộ nghèo vay vốn cần phải có hướng dẫn, cụ thể là thông qua các mô hình thiết thực mới phát huy được hiệu quả đồng vốn và tạo được việc làm cho thu nhập đối với hộ nghèo. Hơn nữa, cũng phải đào tạo và chuẩn bị nguồn lực cho đồng bào DTTS. Đối với những người tuổi cao cần hướng dẫn cách làm trên chính mảnh đất của họ để tạo ra nguồn lợi kinh tế cao hơn. Đối với thanh niên bước vào độ tuổi lao động thì cần phải tạo điều kiện cho các em học chữ, học nghề để chính các em sẽ đem kiến thức vào áp dụng trong cuộc sống hiện nay.
- Thưa Bộ trưởng, để các chính sách này phát huy hiệu quả, thời gian tới, Bộ có những hướng dẫn, chỉ đạo như thế nào để Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung tiếp tục thực hiện đạt thắng lợi những nhiệm vụ đề ra?
Chính sách đã có, quan trọng việc triển khai như thế nào để chính sách đi vào cuộc sống. Trong lúc nguồn ngân sách còn hạn hẹp, một số chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước chưa đáp ứng với thực tế hiện nay, như chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ DTTS thì cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội, kể cả hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế để người nghèo có thể thoát nghèo.
Mặt khác, trong chính sách giảm nghèo có phần hỗ trợ cho hộ cận nghèo 70% phí bảo hiểm y tế, một số tỉnh giáp Tây Nguyên có điều kiện đã hỗ trợ phần còn lại, nhưng các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên chưa hỗ trợ được, vấn đề này Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ có chính sách riêng cho đồng bào DTTS để hộ cận nghèo được hưởng về BHYT như hộ nghèo; đồng thời sẽ nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng xã hội từ 140.000 đồng như hiện nay lên 240.000 đồng. Về công tác dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động DTTS có thêm những kỹ năng nghề để họ tiếp tục phát huy nâng cao nghề nghiệp phục vụ cuộc sống.
Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên cần phải có những giải pháp tuyên truyền để công tác dạy nghề đạt hiệu quả. Với Gia Lai, Bộ sẽ đồng ý và hỗ trợ cho tỉnh thành lập một trung tâm điều dưỡng người có công, tiếp tục cùng với tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để Gia Lai hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này!
Đinh Yến (thực hiện)