Phóng sự - Ký sự

"Chúa hòn Nồm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là ông Dương Ngọc Ánh - chủ nhân duy nhất của Hòn Nồm, một trong 21 hòn trong quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

Theo cha mẹ ra đảo từ năm 10 tuổi với hai bàn tay trắng, giờ đây ông không chỉ phủ lên hoang đảo màu xanh no ấm của cây trái mà còn dệt nên huyền thoại mới cho người dân đi biển khi đào tạo 5 cô con gái có khả năng đi biển hơn cả đấng mày râu trên vùng biển Tây Tổ quốc.

Nước mắt thời mở đất

Trong lần ra Nam Du thực hiện đề tài “khô khát giữa biển khơi”, tôi được nghe câu chuyện về “Chúa hòn Nồm” với những chi tiết vô vùng hấp dẫn: Gia đình duy nhất trên hòn Nồm... Máu nghề nghiệp nổi lên, thế là sau khi hoàn thành công việc trong kế hoạch, tôi tìm đường đến hòn Nồm. Đó là hòn đảo nằm ở cực Nam quần đảo Nam Du, cách TP.Rạch Giá trên 100km đường chim bay.

 

Mỗi ngày, con gái ông Sáu Ánh chở cá sang hòn Ngang để bán rồi mua nhu yếu phẩm về.
Mỗi ngày, con gái ông Sáu Ánh chở cá sang hòn Ngang để bán rồi mua nhu yếu phẩm về.

Gọi là hòn Nồm, nhưng thực ra đó là hòn đảo gồm 3 hòn nhỏ, gồm: Hòn Nồm Ngoài, hòn Nồm Giữa và hòn Nồm Trong. “Chúa hòn Nồm” tên Dương Ngọc Ánh, đóng “dinh” ở hòn Nồm Giữa.

“Biệt phủ” của ông Ánh được cất bằng ximăng cốt thép, nền lót gạch nem bóng loại 4 tấc vuông, bên trong tivi, đầu đĩa, bếp gas, máy phát điện… Anh Nguyễn Thiện Hải - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Du - còn khiến cả đoàn giật mình khi “bật mí” bên trong căn nhà này còn có “báu vật” mà nhiều gia đình bề thế trong đất liền cũng chưa chắc có được: “Gia đình tứ đại đồng đường với hàng chục con người quây quần dưới mái nhà”.

Sau tuần trà đặc sản từ lá bàng nướng lửa than, ông Ánh hâm nóng buổi gặp mặt bằng câu chuyện khai hoang hòn Nồm. “Năm 1954, lúc đó tôi 8 tuổi thì cha tôi là Vương Văn Kiều (1905-1982) cùng mẹ là Dương Thị Cơn (1915-2005) từ Kiên Lương dong thuyền ra hòn Ngang (nay là trung tâm xã Nam Du - PV) để lập nghiệp, tôi là con út được đặt tên là Vương Ngọc Ánh, theo ngôi thứ của người dân Nam Bộ, tôi thứ sáu trong gia đình, nên thường được gọi là Sáu Ánh”.

Vì sao cha họ Vương, còn bác lại họ Dương? “Khách trong đất liền ra chơi, 10 người thì có 11 người thắc mắc chuyện này. Chung quy cũng tại… cái lưỡi” - ông Sáu Ánh hóm hỉnh - “Khi khai họ tên để tham gia bầu cử sau ngày thống nhất đất nước, tôi vẫn khai là họ Vương, nhưng có lẽ do thường ngày mình không quen đánh lưỡi khi phát âm nên đã nói thành Dương, thế là người ta ghi thành Dương luôn”.

Lúc mới phát hiện, ông Ánh tính cải chính, nhưng cuộc mưu sinh quần quật nuôi đàn con đã... trôi đi “Sau này khi có điều kiện, thì lại không muốn thay đổi, bởi tôi nghĩ cốt lõi của đời người không phải là cái họ, mà chính là cách sống” - ông Ánh xúc động.

Sau thời gian ngắn sống tại hòn Ngang, gia đình ông chuyển sang hòn Nồm Giữa - hòn đảo hoang sơ không một bóng người - để khai hoang, mở đất. “Cuộc sống những ngày đầu về đây cực khổ lắm” - ông Ánh bồi hồi - “Khó nhất là tìm nguồn nước ngọt. Cả nhà phải hì hục đào thăm dò, mất cả tháng mới chọn được điểm đào giếng”.

“Tết đầu tiên ở hòn Nồm, không bánh mứt. Gần giao thừa, ba tôi bước ra sau nhà hái ít lá bàng rồi hơ trên lửa cho vàng rồi nấu nước thay trà cúng ông bà” - tôi nhận ra từ khóe mắt ông Ánh những giọt lóng lánh - “Những ngày giông bão, cả nhà phải ăn củ nần”.

“Cắm mốc” chủ quyền đảo

 

Ông Dương Ngọc Ánh bên ngôi mộ người cha ông an nghỉ ngay trên hòn Nồm.
Ông Dương Ngọc Ánh bên ngôi mộ người cha ông an nghỉ ngay trên hòn Nồm.

Để ổn định lâu dài, gia đình ông Ánh bắt tay trồng lúa. “Đầu tiên là đắp đê giữ nước mưa để trồng lúa” - nhấp ngụm trà, ông Ánh bồi hồi - “Đó là những hạt lúa “Nàng Kum” mà cha tôi đã mang theo từ những ngày ra đảo. Giống lúa mùa của đồng bào Khmer, thời gian sinh trưởng rất dài, gần 7 tháng, nhưng bù lại rất cứng cây, chống chọi với giông bão”. Mỗi năm trồng được 1 vụ, thu khoảng chục giạ (200kg), nhưng đủ nuôi gia đình 3 miệng ăn.

Rồi hàng loạt giống cây ăn trái: Dừa, xoài, mít, mãng cầu.. trải màu xanh theo những giọt mồ hôi của gia đình ông Ánh. Trong đó nhiều nhất là dừa với trên 200 cây, tập trung tại bãi đất đối diện với hòn Ngang nên người dân ở hòn Ngang còn gọi đây là bãi Dừa.

Năm 1967, trong lần đến hòn Ngang sửa máy, ông bị “tiếng sét ái tình” với cô Võ Thị Huông của xứ Nha Mân (Đồng Tháp) - vùng đất nổi danh gái “bảnh” từ thời Nam Kỳ lục tỉnh:

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.


Bà Huông ra đây làm thuê kiếm sống, chỉ sau vài lần nhìn nhau với con mắt “có đuôi”, hai người được gia đình cho phép se duyên. Hòn Nồm có thêm thành viên mới, đảo có thêm dấu chân người. Đúng năm sau, ông bà đón người con đầu lòng. Nói thì nghe đơn giản, nhưng hình trình đón “công chúa” rất nhiêu khê. Do là con đầu lòng nên bà Huông khá lờ mờ chuyện sinh nở. Cứ mỗi lần đau bụng là bà kêu chồng phải chạy ghe qua hòn Ngang đón “mụ” qua... Khi khám, mới biết bà bầu bị... mắc đi ngoài. Thế là phải nổ máy chở bà mụ về hòn Ngang.

Cứ thế đến lần thứ ba đưa - rước “mụ”, bà Huông mới hạ sinh cô gái đầu lòng - chị Dương Ngọc Thắm, mở đầu cho đại gia đình 9 con. Trong đó có 2 lần ông Ánh tự đỡ cho vợ.

“Đó là 2 lần bả chuyển dạ vào mùa biển động, tàu ghe đậu sát mé mà còn nghiêng qua, ngã lại nên không thể đem ghe rước mụ” - ông Ánh hóm hỉnh - “Thấy bả nói sắp sinh rồi, tôi đánh liều: Hay để tui đỡ cho bà đẻ nhe. Không hiểu sao bả gật đầu, thế là tôi nổi lửa nấu nước… Cũng may, tôi còn nhớ bài bản mà trước đó có lần bác sĩ Tâm chỉ dạy”.

Theo lời bác Sáu, trong lần ra Nam Du, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, nguyên là Trưởng khoa Sản Đại học Y khoa Sài Gòn, có ghé hòn Nồm chơi với gia đình. Thấy địa thế cách trở, ông có chỉ dẫn vài kỹ thuật cơ bản trong đỡ đẻ để phòng khi hữu sự...

Năm 1980, ông Ánh chuyển nghề đánh bắt hải sản sang mò điệp (ngọc trai) và ngọc nữ bán cho thương nhân Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ sau 7 năm lặn hụp trong lòng đại dương, ông đã bị tai nạn trong một lần lặn tại vùng biển Phú Quốc. Nhờ cấp cứu kịp thời, bác đã giữ lại được mạng sống, nhưng một nửa thân người đã vĩnh viễn bất động.

Thương chồng, bà Huông đưa ông về an dưỡng tại ngôi nhà trên hòn Ngang mà ông đã tạo dựng cho các con đi học chữ. Nhưng chỉ được ít lâu, ông cương quyết đòi trở về hòn Nồm.

Dệt “huyền thoại” mới trên biển Tây

Với dân đi biển, sinh con gái được xem là “thảm họa”, vì không thể phụ giúp công việc ra khơi. Vậy mà ông Ánh lại đẻ một lèo 5 cô gái. Nhưng cả 5 cô gái của ông Ánh lại có tài đi biển vượt mặt nhiều đấng mày râu trên vùng biển Tây của tổ quốc. Nhiều người xem điều này như “huyền thoại” do chính bác Sáu Ánh xây
nền móng.

Được thừa hưởng nét mặn mà của “gái Nha Mân” từ người mẹ nên cả 5 cô gái ông Ánh đều có nét duyên ngầm. Tuy nhiên, theo cư dân vùng quần Nam Du, cái đẹp lớn nhất ở 5 “mỹ nhân” này là tấm lòng thơm thảo… Bởi sau ngày giải phóng, dù có rất nhiều cơ hội vượt biên, rồi sau đó có nhiều gia đình khá giả trong đất liền ra dạm hỏi, nhưng các cô vẫn kiên quyết bám đảo. Đặc biệt ngay cả khi ông Ánh gom góp hết tài sản dành dụm sắm đất cất nhà làm của “hồi môn” tại hòn Ngang nhưng 5 “tiểu thư” vẫn xin được “bắt rể” để ở lại với cha mẹ già.

Ngay lúc 7 tuổi, 5 cô đã biết lặn bắt ốc, 10 tuổi thạo thả lưới quàng, đến tuổi trưởng thành được dân đi biển suy tôn là “long nữ” vì biệt tài bắt cá xanh xương. Đây là loài cá có thân dài, sống ở những nơi nước xiết, xoáy đặc biệt là mỏ cá nhọn, sắc như mũi thanh kiếm và tính tình hung hãn đến mức dân đi biển thường lấy đó làm câu thề: “Cá xanh xương phóng lòi ruột”… Thông thường, ghe đánh cá này cần đến 4 ngư phủ, nhưng với “ngũ long” của bác Sáu Ánh thì chỉ cần 2!

Không chỉ rành 6 câu vọng cổ vị trí từng bãi đá ngầm, từng vùng nước xoáy trong khu vực quần đảo Nam Du, các cô còn có khả năng cảm báo rất tốt. Nhiều lúc dong thuyền ra tận đảo Thổ Chu, hòn Chuối… đánh bắt, xẻ cá trên ghe trong suốt 10 ngày liền mà không cần máy móc định vị. Kinh nghiệm cha truyền đã dạy cho các cô biết nhìn mây, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn nước mà đưa ra dự báo chính xác diễn biến thời tiết sắp tới.

Giọng chân tình, Hai Thắm chia sẻ: “Từ nhỏ đã được cha dạy: Sao Bắc Đẩu và sao Chữ Thập nhấp nháy, thì trong 1-2 ngày tới trời sẽ xuống gió; Mặt trăng quầng vàng thì trời nắng, quầng đen trời mưa...

“Hổ phụ sinh hổ tử”, nhưng có điều “đàn hổ” nhà ông Ánh không chỉ tạo “lãnh địa” cho riêng mình mà đã và đang góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng biển Tây của Tổ quốc!

Lục Tùng/laodong

Có thể bạn quan tâm