Phóng sự - Ký sự

'Chữa lành' tâm thần bằng yoga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những tác động tích cực của liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga đối với bệnh nhân, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng bắt đầu triển khai các lớp tập huấn cho nhân viên để từ đó có thể nhân rộng liệu pháp này trong toàn viện. 

Dù còn bỡ ngỡ nhưng những điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn nỗ lực để có thể giúp bệnh nhân “chữa lành” bằng yoga.

Khi điều dưỡng “cắp sách” học thở, học “chữa lành”

Cứ đều đặn mỗi buổi chiều, một lớp học đặc biệt được tổ chức tại hội trường tầng 2 ở khu hướng nghiệp - Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Trong không gian yên tĩnh với tiếng nhạc thiền du dương, các học viên là nhân viên của các Khoa điều trị đang cần mẫn tập luyện những động tác của bài yoga trị liệu dưới sự hướng dẫn của HLV. Đây là lớp tập huấn đầu tiên về liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga do Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai để tiến tới triển khai áp dụng trong điều trị cho bệnh nhân.

Điều dưỡng CK 1 Đoàn Thị Hậu nỗ lực để xây dựng chương trình, triển khai lớp để chuẩn bị nhân lực triển khai rộng rãi liệu pháp điều trị này trong toàn viện. Ảnh: Giang Thanh

Điều dưỡng CK 1 Đoàn Thị Hậu nỗ lực để xây dựng chương trình, triển khai lớp để chuẩn bị nhân lực triển khai rộng rãi liệu pháp điều trị này trong toàn viện. Ảnh: Giang Thanh

Đối với các học viên, đây cũng là lần đầu tiên họ được tiếp cận với bộ môn yoga cũng như liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga. Ban đầu, ai cũng có chút bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhất là các điều dưỡng nam. Khi được phân công theo lớp để học kỹ thuật mới trong điều trị, anh Lê Ngọc Huy - điều dưỡng Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc khá e dè.

“Trước đây, tôi cũng như nhiều người vẫn hình dung yoga là bộ môn dành cho nữ nên cũng có tâm lý e ngại. Nhưng khi vào lớp, được sự hướng dẫn của HLV, từ chính sự thay đổi của bản thân mình, tôi cảm nhận được tác dụng của liệu pháp này đối với sức khỏe tâm trí. Tôi cũng mong muốn sau khi trở về khoa có thể áp dụng và triển khai liệu pháp này để hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị”, anh Huy nói.

“Chúng tôi kỳ vọng việc áp dụng liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga với các phương pháp trị liệu khác tại bệnh viện sẽ mang lại những kết quả tích cực cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú”.

Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

“Việc tổ chức được lớp tập huấn liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga là nỗ lực rất lớn của Tổ đào tạo - Phòng Chỉ đạo tuyến bệnh viện”, Điều dưỡng CKI Đoàn Thị Hậu (nhân viên Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) chia sẻ. Các học viên đều là điều dưỡng, kỹ thuật viên ở các khoa nên phải vừa đảm bảo công tác chuyên môn, phải vừa sắp xếp được thời gian và lịch trình để tham gia lớp. Hiện, lớp học đang được tổ chức đều đặn mỗi chiều, từ 13h30 đến 16h30, cho đến khi hoàn thành khóa đào tạo với sự hướng dẫn của huấn luyện viên yoga trị liệu.

Không chỉ được học lý thuyết, cách luyện tập, các học viên còn được hướng dẫn về phương pháp truyền đạt, dẫn dắt để tạo môi trường thoải mái nhất cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Thanh

Không chỉ được học lý thuyết, cách luyện tập, các học viên còn được hướng dẫn về phương pháp truyền đạt, dẫn dắt để tạo môi trường thoải mái nhất cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Thanh

Chia sẻ về cơ duyên để thúc đẩy việc tập huấn và trong tương lai là triển khai liệu pháp này trong hỗ trợ điều trị, chị Hậu cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế quý I/2024 với trường ĐH Monmouth (Hoa Kỳ), Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã hỗ trợ một sinh viên ngành Hoạt động trị liệu của trường này tổ chức các buổi chia sẻ về lợi ích của yoga và thiền đối với sức khỏe tâm thần.

“Những buổi học đó có sự tham gia của nhân viên bệnh viện và 2 bệnh nhân (hiện đã ra viện) của khoa Cấp tính nữ với tình trạng ổn và được bác sĩ chỉ định để tập cùng và có những cải thiện nhất định. Điều đó tiếp thêm động lực cho chúng tôi để hợp tác, nghiên cứu và nhân rộng kỹ thuật này”, chị Hậu nói.

Nhân rộng liệu pháp “chữa lành” bằng yoga

Trải nghiệm điều trị ở Khoa Cấp tính nữ cùng các nhân viên của Bệnh viên Tâm thần Đà Nẵng

Theo điều dưỡng Hậu, trước đó, việc áp dụng yoga trị liệu cho bệnh nhân đã được nhiều chuyên gia, bác sĩ nghiên cứu. Điển hình như bác sĩ, bậc thầy Yoga người Ấn Độ Master Swami Sivananda hay ở Việt Nam có Giáo sư Nguyễn Việt đã nghiên cứu phương pháp thư giãn luyện tập trên cơ sở cải biên từ phương pháp “Luyện tập tự sinh, một số tư thế yoga và thở kiểu khí công.

“Ở Việt Nam và trên thế giới cũng có những nghiên cứu chứng minh hiệu quả của liệu pháp thư giãn luyện tập đối với các bệnh nhân tâm căn suy nhược (rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể…). Tất cả các yếu tố trở thành điều kiện thuận lợi, động lực để bệnh viện triển khai và mở rộng áp dụng liệu pháp này trong điều trị”, chị Hậu kể.

Muốn vậy, vấn đề trước mắt chính là nguồn nhân lực, để điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân thì họ phải được đào tạo bài bản về chuyên môn. Trọng trách lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung, giáo án, thiết kế quy trình theo đúng cấu trúc khung chương trình mà Bộ Y tế quy định được giao cho Tổ đào tạo.

Vốn là một người tập yoga nên chị Hậu có nhiều thuận lợi khi đã có những nghiên cứu và hiểu biết nhất định. Nhưng để xây dựng được một bài học mà bệnh nhân ở độ tuổi, thể trạng nào cũng có thể theo kịp và thực hiện hiệu quả lại không hề dễ dàng. Chị phải mày mò nghiên cứu tài liệu, tham khảo chuyên môn từ các huấn luyện viên yoga trị liệu giàu kinh nghiệm để thiết kế chương trình học liên quan đến liệu pháp thư giãn luyện tập bằng yoga.

Mỗi bài thực hành được hướng dẫn cho bệnh nhân gồm 3 phần, đầu tiên là thở định tâm; tiếp đến là các tư thế thư giãn vừa sức giúp cơ xương khớp được bôi trơn, linh hoạt, cột sống khỏe mạnh, ngủ ngon và sâu; cuối cùng phần thư giãn sâu là thiền buông bỏ giúp bệnh nhân giải phóng căng thẳng và tái tạo sức sống cho cơ thể. Mỗi liệu trình như vậy kéo dài từ 30 - 45 phút, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ 1 kèm 1 cùng với điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên đã được đào tạo.

“Bệnh nhân ở độ tuổi, thể trạng nào cũng có thể thực hành, trải nghiệm được. Không chỉ hướng dẫn phương pháp luyện tập, các điều dưỡng, kỹ thuật viên cần tạo được không gian thư giãn, thoải mái để dẫn dắt, đồng hành với bệnh nhân trong hành trình chữa lành”, chị Hậu chia sẻ.

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, với tầm nhìn trở thành một trong những bệnh viện chuyên khoa tâm thần hàng đầu Việt Nam, cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần uy tín và chất lượng cao, đồng thời là cơ sở đào tạo, trao đổi chuyên môn tin cậy của các tổ chức và cá nhân về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, bệnh viện luôn quan tâm, khuyến khích việc thực hành và áp dụng những kỹ thuật mới và đa dạng các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm