Kinh tế

Nông nghiệp

Chưa nhập khẩu kịp vắc xin, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò có nguy cơ lan rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước nguy cơ bệnh viêm da nổi cục có thể lan rộng ra nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công văn đề nghị triển khai gấp các biện pháp ứng phó.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lần đầu tiêm xâm nhiễm vào Việt Nam và đã xảy ra tại 09 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam), làm hơn 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 140 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Bộ NNPTNT nhận định, dịch bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao.

Nguyên nhân là do bệnh này lần đầu tiên xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh. Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp, nhưng cần 2-3 tuần nữa mới có vắc xin để đánh giá vô trùng, an toàn trước khi hướng dẫn sử dụng rộng rãi.


 

Bò bị bệnh viêm da nổi cục tại xã Hiệp Lực - Ảnh: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cung cấp.



Dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng do các véc tơ truyền bệnh (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh,…

Trong khi đó, tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò các tháng cuối năm gia tăng mạnh; điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, nhất là ngăn chặn không để lây lan đến các vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục.

Theo đó, đối với các địa phương đang có ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò: Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới.

Hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp.

Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát.

Kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trong nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép vào Việt Nam.

Rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh viêm da nổi cục tại địa phương, trong đó lưu ý bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm phòng viêm da nổi cục trên địa bàn, kinh phí công tiêm phòng, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng…

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục.



https://danviet.vn/chua-nhap-khau-kip-vac-xin-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-co-nguy-co-lan-rong-20201209215543713.htm

Theo P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm