(GLO)- Chiều 8-5, ông Nguyễn Hữu Chí-Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai dẫn đầu đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh có buổi làm việc với huyện Đak Đoa về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, huyện Đak Đoa hiện có 61 trường; trong đó có 4 trường phổ thông (THCS Anh hùng Wừu, THCS Lê Quý Đôn, Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng, THCS Nay Der) và 2 trường phổ thông dân tộc bán trú (Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trần Kiên, Phổ thông Dân tộc Ban trú Tiểu học Hà Đông) có học sinh được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ
Đoàn khảo sát thực tế tại Trường THCS Nay Der (xã Hnol, Đak Đoa). Ảnh: Hồng Thi |
Trong 3 năm học (từ 2016-2017 đến nay), huyện có 2.213 học sinh thuộc 6 trường trên được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116; trong đó có 1.008 học sinh được ở bán trú tại trường và 1.205 học sinh không thể bố trí được chỗ ở nên phải tự túc. Tổng kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh là hơn 6,6 tỷ đồng; tiền nhà ở gần 460 triệu đồng và cấp 267.820 kg gạo.
Hàng năm, các trường phổ thông dân tộc bán trú đều đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế hiện hành; mua sắm bổ sung dụng cụ thể dục-thể thao với tổng kinh phí hơn 141 triệu đồng; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú và mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh cũng như xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với tổng kinh phí hơn 32,5 triệu đồng; tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh và thực hiện khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh chuyên cần cao, học sinh bỏ học giảm dần.
Toàn cảnh buổi làm việc với huyện Đak Đoa. Ảnh: Hồng Thi |
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các trường, đoàn giám sát thấy rằng, việc thực hiện chế độ chính sách cho học sinh theo Nghị định 116 trên địa bàn huyện Đak Đoa chưa thật sự đúng và đầy đủ; hầu như chỉ được cấp hỗ trợ gạo, còn tiền ăn và ở chỉ thực hiện tại 2 trường phổ thông dân tộc bán trú, gây thiệt thòi lớn cho học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Về phía đoàn giám sát cũng sẽ kiến nghị đến các ngành chức năng của tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách hỗ trợ học sinh cũng như chi trả kinh phí cấp dưỡng trong thời gian tới để các địa phương thực hiện hiệu quả, chính xác…
Hồng Thi