Thời sự - Bình luận

Chứng chỉ hành nghề: Minh bạch hóa khái niệm nhà giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được quy định tại các điều 15, 16 và 17 trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo nêu rõ: Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác. Chứng chỉ này có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm an toàn, tiếp sức cho sự phát triển nhà giáo và thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều ý kiến cho rằng, chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm an toàn, tiếp sức cho sự phát triển nhà giáo và thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng phân cấp rõ ràng cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm: nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

Việc quy định chứng chỉ hành nghề của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Không ít giáo viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi chứng chỉ hành nghề được luật hóa. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm an toàn, tiếp sức cho sự phát triển nhà giáo và thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong dạy học.

Từng có nhiều năm đứng lớp giảng dạy và cũng từng tham gia công tác quản lý giáo dục, bà Nhan Thị Hằng Nga-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh-cho rằng, việc quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay. “Chứng chỉ hành nghề như một vật có tính chất bảo chứng cho những giáo viên chính thống, đạt chuẩn, đủ điều kiện ở thời điểm đó; tránh được tình trạng thật-giả lẫn lộn; đồng thời, góp phần làm minh bạch hóa khái niệm nhà giáo. Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề có phạm vi lưu hành trên toàn quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường hoạt động cho giáo viên. Chưa kể, nếu chứng chỉ có giá trị sử dụng ở quốc tế còn là động lực để nhà giáo phấn đấu tốt hơn”-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định.

Đồng quan điểm, cô Hà Thị Lệ Hiền-Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) cho hay: “Việc quy định chứng chỉ hành nghề là cần thiết để đảm bảo rằng nhà giáo có đủ năng lực và kiến thức để giảng dạy. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên mà còn đòi hỏi bản thân mỗi nhà giáo phải chủ động, liên tục cập nhật và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Từ đó, học sinh cũng sẽ được học từ những giáo viên có chuyên môn và kỹ năng tốt trên hành trình tìm kiếm tri thức”.

Tuy nhiên, cô Hiền cũng băn khoăn rằng, đối với những giáo viên lớn tuổi, giảng dạy lâu năm muốn lấy chứng chỉ hành nghề có thể gặp một số khó khăn, áp lực về thời gian, chi phí, khối lượng kiến thức… Cùng với đó, cô đề xuất, Bộ GD-ĐT cần có các khóa đào tạo hỗ trợ và linh hoạt để giúp giáo viên có thể đạt được chứng chỉ một cách hiệu quả mà không làm gián đoạn công việc.

Ngày 21-5 vừa qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Luật, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều quan điểm, góc nhìn liên quan đến chứng chỉ hành nghề của nhà giáo gắn với điều kiện thực tiễn trong nước và quốc tế. Trong đó, tựu trung đều cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng giáo dục; gắn liền quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân nhà giáo với xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi người học.

Được biết, sau khi lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ vào giữa tháng 7-2024.

Có thể bạn quan tâm